Từ 1/10, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Có thể hiểu một cách đơn giản về việc khoán này như sau: Căn cứ vào khoảng cách đi lại từ nhà đến cơ quan của các Thứ trưởng, Bộ Tài chính xây dựng mức khoán. Theo đó, người khoán cao nhất là 9,9 triệu đồng/tháng và người thấp nhất là 3,96 triệu đồng/tháng.
Việc khoán chưa bắt đầu nhưng đã nảy sinh nhiều chuyện phải nói. Khoán đâu phải “gọn” ngay, bởi kèm theo đó phát sinh hàng loạt vấn đề: Việc khoán này chỉ thực hiện trong trường hợp đưa – đón các lãnh đạo đi làm, còn đến cơ quan, nếu họp hành, đi công tác ở đâu thì lại phải có xe của cơ quan đưa đón. Một cái khó nữa mà lãnh đạo Bộ Tài chính đang đau đầu là giải quyết thế nào với đội ngũ lái xe. Bởi họ cũng là công chức, viên chức?
Rõ ràng, khoán xe là bài toán hiệu quả đã được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng. Bởi, khi thực hiện khoán họ không phải lo đầu tư một dàn xe, lo nuôi một đội ngũ những người lái xe phục vụ và kèm theo đó là hàng loạt chi phí để vận hành một chiếc xe trên đường (phí đường bộ, cầu phà, gửi xe, bến bãi…). Họ chỉ sử dụng xe công (xe của công ty) vào các chuyến công tác xa, dài ngày hoặc quan trọng… Làm như vậy, họ đã giảm hẳn được tình trạng lái xe, người đi công tác “vẽ” ra các khoản chi phí trời ơi, đất hỡi để rút ruột công quỹ.
Mô hình được các công ty, doanh nghiệp áp dụng là khoán một khoản kinh phí cụ thể cho từng vị trí nhất định. Những đơn vị, cá nhân được khoán sẽ tìm cách chi tiêu số tiền ấy một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất. Họ có thể thuê một công ty vận tải, sử dụng taxi. Điều quan trọng, họ sẽ căn cơ đồng tiền được khoán, cân nhắc kỹ khi đi đâu đó, chứ không có tâm lý vung tay như “tiêu tiền chùa” hiện nay.
Câu chuyện tại Bộ Tài chính hiện nay vẫn còn đang “lùng nhùng” và có vẻ khó xử nhất là khoán xe rồi thì đội ngũ lái xe sẽ giải quyết ra sao? Và khoán như thế nào mới hiệu quả? Bởi, theo cách làm, Bộ Tài chính chỉ khoán xe cho các lãnh đạo Bộ trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Nếu khoán như vậy thì sẽ rất “nửa vời”. Bởi lẽ, xe thì vẫn phải khấu hao, vẫn phải trả lương cho lái xe. Thậm chí là còn bớt giảm công việc của lái xe mà vẫn phát sinh chi phí “khoán”. Khoán như vậy chỉ tăng chi phí mà thôi.
Đó là chưa kể, nếu áp dụng hình thức khoán nửa vời thế này thì khi được áp dụng đại trà sẽ có nhiều kiểu “biến báo” khác không lường trước được. Ví dụ như “khai man” địa chỉ để hưởng số km cao hơn?!
Về vấn đề “lái xe”, nên chăng, biên chế trong các đơn vị quản lý nhà nước, hành chính sự nghiệp đang phình to, các đơn vị thực hiện khoán xe công có thể xem xét tinh giản biên chế, chuyển đổi hình thức hợp đồng công việc với những biên chế dư thừa không cần thiết.
Chuyên gia tài chính – kinh tế Bùi Kiến Thành, bao nhiêu năm từ Mỹ về nước sinh sống và làm việc nhưng ông không sắm xe riêng. Lý do được ông chia sẻ là vì chi phí cho một chiếc xe quá lớn và bất tiện (phải nuôi xăng xe, khấu hao, nuôi một ông tài xế..). Bây giờ các dịch vụ ô tô, taxi rất dễ tìm kiếm, chỉ cần một cú điện thoại hoặc đứng ngay cửa nhà vẫy là xong.
Khoán xe công là một chủ trương đúng nhưng cách thực hiện phải kiên quyết, rõ ràng, minh bạch, không bị các mối quan hệ níu kéo… thì mới dám mong thành công. Nếu vẫn còn “trăm mối tơ vò” khi khoán xe thì em anh A, cháu chị B phải nghỉ việc… không hứa hẹn câu chuyện lãng phí trong sử dụng xe công sẽ được giải quyết dứt điểm.
Báo cáo tài sản nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho thấy, tính đến hết năm 2015, tổng số xe ô tô công hiện có là hơn 37.700 chiếc. Để sở hữu số xe này, ngân sách đã bỏ ra tổng cộng gần 23 nghìn tỷ (tương đường hơn 1 tỷ USD)./.