Loạn giá tại các quầy thuốc tư nhân

15:02, 24/09/2016

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Tuy nhiên, thời gian qua, giá cả của các loại thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng rối loạn, đặc biệt là tại các quầy thuốc tư nhân. Không mặc cả được nên người dân chỉ có thể thuận theo người bán mà không biết mức giá đúng của loại thuốc mình mua.

Bước ra từ một hiệu thuốc trên đường Lương Ngọc Quyến, chị Nguyễn Kim Nhung ở tổ 15, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) không khỏi sửng sốt: Tôi bị đau dạ dày mãn tính nên thường xuyên phải uống thuốc. Ngoài những thuốc do Bảo hiểm Y tế cấp, tôi thường mua Nexium 40mg ở ngoài. Tuy nhiên, so với tháng trước, giá một hộp thuốc đã tăng thêm 40.000/hộp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế liên tục tăng. Chỉ riêng tháng 8 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh với mức tăng 73,18% so với tháng trước đó. Trong đó, các mặt hàng thuốc tăng trung bình từ 5-10%.

 

Không chỉ tăng giá, tại các quầy thuốc tư nhân còn xảy ra tình trạng chênh lệch giá khá lớn. Với cùng một chủng loại thuốc, cùng đơn vị sản xuất nhưng tại mỗi nhà thuốc lại có những mức giá khác nhau. Đơn cử, trong đợt giám sát công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân mới đây, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh phát hiện thuốc Nitromint 2,6mg của cùng một nhà sản xuất nhưng bán với giá khác nhau ở 3 hiệu thuốc khác nhau. Tại quầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa An Phú, loại thuốc này được bán với giá 18 nghìn đồng/vỉ, Hiệu thuốc Việt Nụ (năm trên đường Lương Ngọc Quyến, T.P Thái Nguyên) bán với giá 22 nghìn đồng/vỉ. Đặc biệt, tại Nhà thuốc Hoàng Triều, đại lý của Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Thái Nguyên tại huyện Đại Từ, thuốc Nitromint 2,6mg được bán với gái 25 nghìn đồng/vỉ.

 

Như vậy có thể thấy giá thuốc tại mỗi nhà thuốc không có sự đồng nhất, mỗi nơi một giá và mạnh ai người nấy bán. Trong khi đó, đa phần tâm lý người đi mua thuốc đều coi thuốc không giống các mặt hàng tiêu dùng khác, không thể trả giá nên hầu hết người mua đều chỉ biết trả tiền theo đúng giá niêm yết tại nhà thuốc. Thêm vào đó, do tâm lý lo lắng khi bị bệnh nên rất ít người đủ kiên nhẫn để đi tới vài nhà thuốc nhằm khảo giá. Cho ý kiến về việc này, chị Vũ Hà My ở tổ 22, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Qua những lần mua thuốc ở các hiêu thuốc khác nhau, tôi có biết chuyện chênh lệch giá nhưng khi người nhà bị bệnh thì mình chỉ có thể nghĩ đến mua thuốc điều trị chứ không ai so đo mấy nghìn hay mấy chục nghìn cả, kể cả những người có điều kiện kinh tế khó khăn cũng vẫn sẽ chấp nhận chịu thiệt.

 

Giải thích về tình trạng “loạn” giá thuốc như hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, Sở Y tế đang quản lý giá thuốc theo Thông tư số 15/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện và Thông tư Liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT của liên bộ Y tế - Tài chính - Công thương về hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người. Trong đó, chỉ quy định về các yếu tố: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc; quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế chi trả và nguồn thu viện phí; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cơ sở trong việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc. Còn về giá thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc tư nhân vẫn hoạt động theo quy luật cạnh tranh của thị trường. Hàng năm, Sở Y tế đều tổ chức thanh, kiểm tra chuyên nghành, liên ngành đối với các cơ sở hành nghề kinh doanh thuốc ngoài công lập và đã nhắc nhở, xử phạt nhiều cơ sở. Tuy nhiên, về mặt quản lý Nhà nước, các đoàn thanh, kiểm tra chỉ có thể xử phát các lỗi liên quan đến quy định hành nghề,  chế độ bảo quản, sắp xếp thuốc, quản lý mua bán thuốc…chứ không thể xử phạt về chênh lệch giá.

 

Thêm nữa, một trong những nguyên nhân có thể kể đến khiến giá thuốc trên thị trường loạn là do tâm lý sính thuốc ngoại của nhiều người bệnh. Với những bệnh nhẹ, nhiều người có thói quen “ngại” đến khám bệnh tại các cơ sở y tế mà tự mua thuốc tại các nhà thuốc tư nhân. Đa phần người mua đều chỉ nói biểu hiện bệnh và nhờ dược sĩ lấy thuốc. Trong mỗi lần mua thuốc như vậy không ít người đã hỏi thuốc ngoại với tâm lý loại thuốc này “xịn” hơn, giúp nhanh khỏi bệnh hơn. Vì vậy, nhà thuốc thường tư vấn cho người dân dùng thuốc ngoại trong khi nhiều loại thuốc do các công ty trong nước sản xuất có cùng tác dụng với giá rẻ hơn lại bị bỏ quên. Chính tình trạng này đã kéo theo giá thuốc ngày càng tăng và loạn như hiện nay.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.118 cơ sở hành nghề kinh doanh thuốc, trong đó có 249 nhà thuốc và 650 quầy thuốc phân bố rải rác trong toàn tỉnh. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi hiện nay số lượng nhà thuốc mới nộp hồ sơ xin cấp giấy phép vẫn ngày một đông. Tuy nhiên, với tình trạng giá thuốc ngày càng tăng, không thống nhất tại cơ sở kinh doanh và các địa phương như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt quản lý với mặt hàng này. Thiết nghĩ, nên có một cơ chế quản lý đặc biệt về giá cả cũng như chất lượng, và phải có sự giám sát của các ngành: y tế, tài chính để người bệnh được chữa trị bằng các loại thuốc với đúng giá trị thực của nó.