Người "lính lửa" giàu kinh nghiệm

16:39, 26/09/2016

Với hơn 30 năm công tác, trong đó có gần 20 năm trực tiếp tham gia chữa cháy, anh được coi là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của tỉnh hiện nay. Anh là Thượng tá Đỗ Tấn Chiến, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo phòng cháy (Cảnh sát PCCC tỉnh).

Qua câu chuyện kể về những vụ cháy, nổ lớn mà anh trực tiếp tham gia chỉ huy hoặc là cán bộ chiến sĩ cứu hỏa, tôi mới hiểu được nghề cứu hỏa không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Có những vụ việc mà một người có “thâm niên” như anh vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại. Đó là vụ cháy Nhà máy Z115 ngày 5-5-2003 ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Anh Chiến cho biết: Khi ấy, tôi đang là Đội Trưởng Đội Cảnh sát chữa cháy, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh). Lúc đó, nếu không nhận định tốt tình hình, mạo hiểm chỉ huy cán bộ chiến sĩ tiếp cận đám cháy để phun nước công suất lớn thì sau vụ nổ lớn thứ 4, cháy sẽ lan sang kho thuốc nổ TNT mà liền kề đó là xưởng nạp đạn cối. Suốt 1 đêm chiến đấu với lửa, hôm sau, nhìn lại hiện trường, các anh em thấy sợ. Nói dở, nếu không tính toán cẩn thận vụ đó, có lẽ chúng tôi đã là liệt sĩ. Qua vụ chữa cháy ấy, Phòng Cảnh sát PCCC đã nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân dân, sự đánh giá cao của các cấp, ngành. Đặc biệt, đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Chiến công hạng Ba; các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh; Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh. Bản thân tôi được tặng thưởng Bằng khen của Bộ Công an.

 

Xuất thân trong gia đình có mẹ làm Công an nên từ nhỏ, anh Chiến đã ước mơ lớn lên được công tác trong ngành. Sinh năm 1966, sau khi tốt nghiệp THPT (năm 1982), anh Chiến đã theo học Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát KH5 (Bộ Công an). Năm 1985, sau khi tốt nghiệp, anh xin về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Từ đó đến nay, dù đã qua nhiều vị trí công tác (như: Chiến sĩ chữa cháy, cán bộ Đội kiểm tra, Đội hậu cần PCCC; cán bộ, chỉ huy chữa cháy và hiện là Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo phòng cháy, Cảnh sát PCCC tỉnh), ở vị trí nào anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao.

 

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong nghề, anh Chiến cho biết: Cứu hỏa là nghề thường xuyên phải đối mặt với “thần chết” nên đòi hỏi ở mỗi chiến sĩ chữa cháy cần phải có sức khỏe, can đảm, phản xạ nhanh, thông minh để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Để làm được điều này, người cán bộ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng chữa cháy, xác định được nhiệm vụ, mục tiêu của mình là cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, trước hết, các “lính lửa” phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân. Bên cạnh đó, theo tôi, điều cơ bản của lính cứu hỏa, hơn hết là phải thật sự trách nhiệm với nghề.

 

Qua tìm hiểu về quá trình công tác của anh, tôi còn được biết, ngoài tham gia xử trí các vụ cháy lớn (như: Cháy khu tập thể của Công ty chè Thái Nguyên, kho đạn Thịnh Đức…), anh Chiến còn tham gia nhiều vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có vụ sạt lở đất chôn vùi 10 nhà dân ở Mỏ than Phấn Mễ, xã Phục Linh (Đại Từ) năm 2012. Sau nhiều ngày đêm tìm kiếm, anh cùng các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã đưa được 4 nạn nhân lên khỏi đống vùi lấp an toàn. Bên cạnh việc tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, anh Chiến còn trực tiếp tham gia các lớp hướng dẫn, tuyên truyền tới nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về pháp luật PCCC; tham mưu mở các lớp nghiệp vụ PCCC cho mọi đối tượng; cùng với các cán bộ ở địa bàn cơ sở kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, từ đó chỉ ra những thiếu sót để khắc phục, phòng ngừa…

 

Nhận xét về đồng chí Đỗ Tấn Chiến, Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC tỉnh) cho biết: Với kinh nghiệm tích lũy được, đồng chí rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng hướng dẫn, truyền đạt cho các cán bộ chiến sĩ trẻ trong cơ quan. Đặc biệt, đồng chí có nhiều tham mưu, sáng kiến hay cho cấp trên về các giải pháp PCCC, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy gây ra. Ngoài ra, trong cuộc sống đời thường, đồng chí Chiến là con người giản dị, dễ gần, sống chan hòa với tất cả mọi người.