Người phụ nữ tảo tần chăm sóc chồng là nạn nhân da cam

15:44, 09/09/2016

Gần 40 năm làm vợ thương binh, nạn nhân nhiễm chất độc da cam Dương Văn Lực, bà Dương Thị Lợi ở xóm An Miên, xã Thành Công (Phổ Yên) không có mấy ngày được ngày thảnh thơi, nhàn hạ. Trên 60 tuổi, bà vẫn “đầu tắt mặt tối” với ruộng đồng rồi tất bật chăm sóc người chồng đau yếu, con trai mắc trọng bệnh. Thế nhưng, với bà, dù vất vả, thiệt thòi, bà luôn thấy mình hạnh phúc vì bà có một gia đình đầm ấm với người chồng đánh kính và các con, cháu ngoan ngoãn, biết đùm bọc, thương yêu nhau.

Năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Dương Văn Lực xung phong lên đường Nam tiến bảo vệ Tổ quốc. Năm 1973, ông bị thương nặng ở chân phải về miền Bắc điều trị. Vì không muốn gia đình lo lắng, ông Lực đã giấu không cho người thân biết. Thời điểm đó, ở quê nhà, bà Dương Thị Lợi là một đoàn viên thanh niên nhiệt huyết với các hoạt động của địa phương. Ngoài giờ tăng gia sản xuất, bà Lợi hăng hái cùng với Đoàn Thanh niên xã tham gia các hoạt động ở hậu phương hướng về tiền tuyến. Sự năng nổ, hoạt bát của bà đã khiến cho nhiều thanh niên đến tuổi cập kê say mê, dạm hỏi nhưng bà đều từ chối bởi bà quyết tâm đợi anh chiến sĩ trẻ Dương Văn Lực trở về để thuận theo lời hứa gả của gia đình bà với gia đình ông.

 

Đến tận năm 1975, gia đình mới biết ông Lực đang điều trị vết thương ở Vĩnh Phú và đón về làm lễ cưới. Kết thúc chiến tranh, nhưng vì trong quân ngũ nên ông Lực vẫn thường xuyên xa nhà. Toàn bộ việc đồng áng, nhà cửa, chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ đặt lên đôi vai bà Lợi. Ấy vậy mà để chồng an tâm cống hiến cho Tổ quốc, bà Lợi không kêu ca nửa lời. Lần lượt thêm 4 người con của ông bà chào đời trong những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn, thiếu vắng sự chăm sóc của người cha đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bà bảo: Không được nhiều sự chăm sóc của bố nhưng các con của tôi luôn tự hào về bố. Trong câu chuyện của tôi với các con luôn có hình bóng người cha đáng kính.

 

Năm 1994, ông Lực xin về công tác ở Ban chỉ huy Quân sự huyện Phổ Yên. Đến cuối năm 1998, ông Lực được nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí. Những tường từ đó trở đi, cuộc đời bà Lợi sẽ được bù đắp những tháng ngày vất vả vậy mà sức khỏe của ông Lực ngày một kém. Do ảnh hưởng của vết thương và chất độc hóa học bị nhiễm trong chiến trường chống Mỹ, ông Lực thường xuyên đau yếu. Ông mắc nhiều chứng bệnh về gan, thận, phổi và thường xuyên phải nhập viện điều trị. Mình bà Lợi lại tần tảo xoay sở với gần nửa ha ruộng để nuôi các con ăn học trưởng thành. Thương mẹ, các con của ông bà không quản khó nhọc, ngoài giờ học cùng mẹ ngày đêm sản xuất, tăng gia để có thêm tiền chữa bệnh cho bố.

 

Thế nhưng, dường như số phận muốn thử thách bà. Người con trai thứ tư là Dương Văn Luân, 24 tuổi mới tốt nghiệp Học viện Ngoại giao không may lại mắc bệnh ung thư máu do di chứng chất độc da cam truyền từ bố sang. Không chỉ có vậy, con trai của anh Luân cũng đồng thời phát hiện bị dị mạch máu và phải điều trị thường xuyên tại bệnh viện. Như Bà lại gắng gượng huy động các con góp sức, góp của một phần cho bố, một phần cho em, cho cháu chữa bệnh. Nén nỗi đau, bà gọi người bán một phần ruộng, một phần bà mang thế chấp vay thêm tiền từ ngân hàng với quyết tâm chiến thắng số phận để giành sự sống cho chồng, con trai và điều trị cho cháu.

 

May mắn đến với Luân khi em được tham gia vào một đề tài khoa học nghiên cứu tế bào gốc trên bệnh nhân ung thư và được hỗ trợ một phần không nhỏ chi phí phẫu thuật, điều trị. Luân đã được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu phẫu thuật và điều trị cho kết quả sức khỏe tiến triển khả quan. Đến nay, anh vẫn tham gia vào phác đồ điều trị tế bào gốc với sức khỏe ổn định. Còn ông Lực, sức khỏe cũng dần tiến triển khả quan.

 

Mới đây, trong dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, bà là 1 trong 10 người được UBND tỉnh khen thưởng tấm gương điển hình chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Nó chuyện với chúng tôi, bà Lợi bảo: Còn rất nhiều phụ nữ như tôi ngày đêm chăm sóc chồng, con và cả cháu nhiễm chất độc da cam. Tôi thấy mình thật sự còn rất may mắn khi trong những thời điểm khó khăn nhất vẫn có gia đình với người chồng đáng kính và các con, cháu ngoan ngoãn, đùm bọc làm điểm tựa giúp tôi vượt qua.

 

Nói về tấm gương bà Dương Thị Lợi, ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam T.X Phổ Yên cho rằng: Thật hiếm có người phụ nữ nào phải hứng chịu nhiều nỗi vất vả như bà Lợi. Ông cũng cho biết, hằng năm, từ nhiều nguồn vận động, Hội Nạn nhân da cam T.X Phổ Yên dành một số phần quà để động viên bà Lợi và những người phụ nữ khác đang ngày đêm vất vả chăm sóc cho hơn 1,8 nghìn nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. “Chúng tôi mong có sự quan tâm hơn nữa của xã hội để những nạn nhân da cam được động viên và vươn lên trong cuộc sống.” - ông Hòa bảy tỏ.