Những “trụ cột” đoàn kết của làng

09:42, 20/09/2016

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.000 già làng, trưởng bản, người có uy tín (là người cao tuổi trong làng, trong dòng họ, trong tộc người ở làng đó). Bằng khả năng, kinh nghiệm của mình, những người có uy tín với bản làng ấy đã xử lý hài hòa giữa luật tục và luật pháp, việc dòng họ và tộc người; biết thuyết phục và động viên, nói dân nghe, làm dân tin, dân phục và dân theo, trở thành trụ cột đoàn kết của làng…

Thực tế nhiều năm nay cho thấy, những người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn sống gương mẫu, có công hình thành, phát triển dân cư, am hiểu việc làng, phong tục tập quán, nghi lễ của dòng họ và dân tộc mình hoặc các dân tộc cùng sống trong làng; được đa số dân cư trong làng kính trọng suy tôn một cách tự nhiên, tự nguyện, bình đẳng… Vai trò của những người có uy tín thể hiện rõ nét nhất ở sự hiểu biết, trở thành hạt nhân, trung tâm đoàn kết trong cộng đồng làng. Trên cương vị của mình, họ chủ trì các lễ cúng và hội hè tập thể, hướng dẫn mùa vụ sản xuất và cố vấn cho các cuộc hôn nhân thực hiện đúng tập tục, làm trọng tài dàn xếp các vụ tranh chấp, xích mích trong làng… Đặc biệt, những người có uy tín còn tham gia và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đơn cử như ông Trần Công, 78 tuổi, dân tộc Tày, là người có uy tín xóm Làng Cọ 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương). Bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, ông đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở địa phương tuyên truyền cho dân hiểu và làm theo những chủ trương, chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đang mang đến cho người dân. Nhờ đó, người dân xóm Làng Cọ luôn tin Đảng, Chính phủ và sống đoàn kết, thuận hoà.

 

Không chỉ tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, người có uy tín còn đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Điển hình là ông Hoàng Văn Chiến, 49 tuổi, dân tộc Nùng, xóm Làng Mạ, xã Động Đạt (Phú Lương). Với ông Chiến, biết làm tăng nguồn thu nhập cho gia đình là góp phần làm giàu cho quê hương. Bởi vậy, ông luôn mày mò, tìm hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy nhu cầu mua giống chè mới (chè lai) của các hộ dân trong vùng ngày một tăng lên, cách đây 5 năm, ông đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm giống chè. Nhờ tích cực học hỏi và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất giống chè nên cây giống của ông luôn có chất lượng tốt, tỷ lệ sống đạt cao, được người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2015, vườn ươm này đã mang lại cho ông số tiền trên 100 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 4 lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quần hơn 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Bên cạnh việc góp phần làm tốt công tác truyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số; mạnh dạn phát triển kinh tế... những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh còn tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nơi họ sinh sống. Ông Nông Văn Trân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư; giúp nhân dân nhận thức, hiểu được âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và tham gia phát hiện các loại tội phạm. Nhờ đó đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ cho công tác điều tra xử lý vi phạm và tội phạm. Hơn thế, họ còn luôn thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, cùng mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, chống truyền đạo trái phép, không mê tín dị đoan, không di cư tự do...

 

Theo ông Lý Tiến Liên, 68 tuổi, dân tộc Dao, là người có uy tín xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá (Võ Nhai): Chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Để làm được việc này, không phải riêng ông Liên mà tất cả những người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã vận động nhân dân loại bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của từng dân tộc; ăn, ở hợp vệ sinh; thực hiện di chuyển chuồng trại ra xa nhà... Với sự nỗ lực của những người có uy tín, nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục và tổ chức trong các lễ hội như tung còn của người Tày ở Định Hoá; thổi khèn và chọi chim họa mi của đồng bào Mông ở Đồng Hỷ; múa tắc-xình của người Sán Dìu ở Phú Lương...

 

Là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Thái Nguyên đã đưa được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chính sách dân tộc đến được với đại đa số nhân dân, từ đó đã góp phần cải thiện đời sống dân sinh, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tạo mối đoàn kết trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số... Có được kết quả ấy là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín - những người đã vì lợi ích của cộng đồng mà cố gắng, nỗ lực hết mình.