Phòng cháy tại các xưởng may: Quan tâm nhưng chưa yên tâm

09:15, 24/09/2016

Các cơ sở sản xuất hàng may mặc thường có nguy cơ cao xảy ra cháy. Bởi thế, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh đã luôn quan tâm kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy tại các doanh nghiệp may mặc, ý thức, nhận thức của các chủ doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt nhưng công tác này vẫn còn hạn chế.

Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp may mặc chấp hành tốt quy định về PCCC, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (trụ sở tại xã Điềm Thụy, Phú Bình) đã đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác này. Ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi sợ nhất là hỏa hoạn, nếu xảy ra cháy có thể bị phá sản. Vì vậy, Công ty luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, có hồ sơ thiết kế PCCC được cơ quan chức năng thẩm duyệt, sau đó nghiệm thu trước khi đi vào hoạt động. Trên diện tích nhà xưởng 15.000m2, tất cả các vị trí làm việc đều được lắp báo cháy tự động, riêng các kho hàng còn được lắp đặt thêm hệ thống chữa cháy tự động, số lượng bình chữa cháy, vòi nước, máy bơm… được trang bị đầy đủ. Đặc biệt là chúng tôi luôn quan tâm tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng PCCC cho hơn 1.000 lao động.


Không riêng Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, theo Thượng tá Đỗ Tấn Chiến, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn - Chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC tỉnh), cơ bản các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn đã chấp hành tốt quy định về PCCC. Ngoài sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, yếu tố quan trọng góp phần thay đổi ý thức của các chủ doanh nghiệp đối với công tác này là họ nhìn thấy rõ nguy cơ cháy nổ và thiệt hại khôn lường nếu xảy ra hỏa hoạn. Đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, vụ cháy xảy ra tại chi nhánh may Sông Công năm 2011 gây thiệt hại nhiều tỷ đồng là một bài học xương máu. Năm 2013, tại địa phương lân cận là tỉnh Bắc Giang, vụ cháy lớn xảy ra ở Công ty may Hà Phong gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng là sự cảnh tỉnh đối với tất cả các doanh nghiệp may. Sau vụ cháy này, đại diện nhiều doanh nghiệp may mặc Thái Nguyên đã trực tiếp đến mục sở thị nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho việc PCCC.


Theo quy định, các nhà máy sản xuất hàng may mặc là những cơ sở trọng điểm về PCCC, được cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ 1 lần/quý, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ hằng năm. Cũng theo đánh giá của Thượng tá Đỗ Tấn Chiến, phần lớn doanh nghiệp may đã chấp hành nghiêm túc kết luận kiểm tra, kiến nghị của lực lượng PCCC, hoàn chỉnh phương án chữa cháy và đầu tư trang thiết bị đảm bảo. Ngoài ra, có đơn vị như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG còn tổ chức hội thao nội bộ và áp dụng nhiều sáng kiến khả thi trong công tác PCCC.


Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt quy định về PCCC, chủ yếu là do thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị hoặc ý thức chấp hành chưa tốt. Các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã không ít lần phải xử phạt hành chính đối với những vi phạm trong lĩnh vực này.


Công ty CP may Chiến Thắng (trụ sở tại T.P Hà Nội) có 2 xưởng may đặt tại phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) với quy mô lao động khoảng 450 người là đơn vị vẫn còn hạn chế trong công tác PCCC. Theo biên bản kiểm tra định kỳ mới nhất của Cảnh sát PCCC tỉnh thì cơ sở này chưa có hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, thiếu sổ theo dõi phương tiện chữa cháy và hệ thống chống sét, chưa có hồ sơ quản lý phương tiện PCCC. Ngoài 28 bình chữa cháy đã bị mất tác dụng; 1 vòi chữa cháy bị hỏng; hệ thống điện chưa đảm bảo; 1 cửa thoát hiểm bị che khuất… Đặc biệt là hệ thống báo cháy tự động mất tác dụng, chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo quy định. Chị Đặng Thị Xuân, Giám đốc Xí nghiệp phân trần: Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công ty đầu tư hoàn chỉnh hệ thống PCCC nhưng do kinh phí hạn chế nên chưa đảm bảo.


Thêm một ví dụ khác, Công ty CP may xuất khẩu Phú Lương cũng đã bị phát hiện còn những hạn chế trong công tác PCCC. Cuối năm ngoái, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã lập biên bản vi phạm sau đó xử phạt doanh nghiệp này 7 triệu đồng. Tại những cuộc kiểm tra định kỳ sau đó, cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh tiếp tục chỉ ra và đề nghị Công ty khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC. Đại diện lãnh đạo Công ty khẳng định: Chúng tôi rất quan tâm đến PCCC, coi đó là nhiệm vụ sống còn nhưng luôn gặp khó khăn về kinh phí do tình hình sản xuất không tốt…


Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ cháy xưởng may ở đâu đó gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do chủ quan. Ngay tại Thái Nguyên, TNG đã có bài học rất đắt giá. Nguy cơ rõ ràng cộng với những tồn tại trong công tác PCCC ở một số cơ sở sản xuất hàng may mặc trên địa bàn đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm và quan tâm đôn đốc, giám sát các cơ sở khắc phục kịp thời những tồn tại đã được chỉ ra. Hơn ai hết, các doanh nghiệp cần chủ động, tự giác thực hiện tốt công tác này vì nếu xảy ra hỏa hoạn, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và thiệt hại lớn nhất.