Tết Trung thu - xin trả lại cho thiếu nhi

15:46, 12/09/2016

Tết Trung thu vốn dĩ của tuổi thơ từ bao đời nay, sao giờ lại đặt vấn đề trả lại? Vâng. Trung thu vốn đẹp cả về thời tiết, khí hậu. Khung cảnh thiên nhiên càng thơ mộng hơn khi trở thành ngày Tết của thiếu nhi. Mỗi năm chỉ có một lần vào đúng đêm trăng tròn vành vạnh, sáng như gương, các em thơ vui sướng hân hoan thoả sức chơi đùa, ca hát.

Cứ nói đến Tết Trung thu là ai cũng nghĩ đến trẻ thơ, hướng tới các cháu, mong muốn làm mọi điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Sinh thời, năm nào Bác Hồ cũng đến tham dự Tết cùng với các cháu thiếu nhi ở đâu đó.  Ngay cả những năm chiến tranh ác liệt nhất, Người cũng nhắc nhở không quên tổ chức Tết Trung thu trong điều kiện có thể. Với trẻ em, ngày Tết này thiêng liêng không kém ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

 

Vậy mà nhiều năm gần đây, Tết Trung thu đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa. Người lớn đã vô tình “cướp” đi ngày Tết của các cháu. Ở thành phố đã không còn những khoảng không gian rộng để các cháu thiếu nhi ra chơi các trò rồng rắn lên mây, rước đèn ông sao rồi phá cỗ và nhiều trò vui khác, bởi đã phải nhường chỗ cho việc lấn chiếm buôn bán, kinh doanh, trông giữ xe. Nếu có thừa chỗ nào thì người lớn đã "xí phần" để tập nhảy, thể dục nhịp điệu… Các cháu có được gặp gỡ, giao hoà tập thể, có khi chỉ ru rú ở trong nhà, dỏng tai nghe tiếng trống múa lân, múa rồng trên tivi.

 

Bánh Trung thu là của trẻ em, người lớn có ăn là để vui với chúng. Nhưng giờ đây, bánh Trung thu lại trở thành một thứ quà biếu. Một hộp bánh Trung thu có giá bạc triệu đang trở nên rất bình thường, phổ biến. Nhiều hộp bánh tới vài ba triệu vẫn có nhiều người mua. Không hiểu bánh được làm bằng những chất liệu gì, sơn hào hải vị ra sao mà có giá “khủng” như vậy? Và ai sử dụng đây? Chắc chắn không thể là trẻ em trong các gia đình bình dân chiếm tỷ lệ đông đảo. Hiển nhiên đó là một thứ quà biếu, một "phương tiện" để ngươì ta tranh thủ lấy lòng nhau, dọn đường cho những mục đích nào đó.

 

Hãy làm một cuộc điều tra xem ở nước ta hiện nay, thiếu nhi là con em gia đình lao động bình dân, có cuôc sống trung bình và thấp chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Chắc chắn số này phải chiếm đại bộ phận. Thế mà tại các cửa hàng bán bánh Trung thu hiện nay, phổ biến là mấy trăm nghìn đồng/hộp (4 chiếc), rẻ nhất cũng là vài chục nghìn đồng/chiếc. Vậy người kinh doanh không nhằm vào đối tượng chính là con nhà lao động bình dân, mà nhắm vào con nhà giàu, thậm chí là phục vụ cho người lớn mua để làm quà biếu như đã nói. Còn gì trớ trêu hơn khi đến Tết Trung Thu, các bậc cha mẹ học sinh phải lo đi mua những hộp bánh đắt tiền để làm quà biếu thầy, cô giáo (?!).

 

Tết Trung thu. Xin hãy trả lại ngày Tết truyền thống này cho các em thơ. Người lớn hãy làm tất cả cho chúng vui vẻ, tận hưởng một ngày của tuổi thơ với ý nghĩa tốt đẹp nhất. Đừng để con trẻ sớm nhận biết những điều không có lợi cho sự phát triển tâm hồn, nhân cách của chúng.