Vẫn còn khoảng cách từ nhận thức đến thực hành

16:09, 09/09/2016

Mặc dù các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn đã nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhưng việc thay đổi hành vi vẫn còn hạn chế, dẫn đến vi phạm các quy định về ATVSTP còn khá phổ biến.

Thực hiện chương trình công tác thường xuyên hàng năm, những ngày đầu tháng 9, Đoàn kiểm tra ATVSTP liên ngành của Trung ương và của tỉnh đã tổ chức kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm và hàng hóa liên quan. Mặc dù đây là việc làm thường xuyên và nội dung kiểm tra đều đã được thông báo trước, song hầu hết các điểm Đoàn kiểm tra làm việc đều có các vi phạm quy định ATVSTP. Theo báo cáo nhanh của Chi cục ATVSTP tỉnh: Trong số 8 cơ sở Đoàn đến kiểm tra, hầu hết đều vi phạm cơ bản: điều kiện chế biến ẩm thấp, mốc; dụng cụ đựng nguyên liệu chủ yếu tận dụng bao bì, thùng đựng sơn, thuốc, dược phẩm, hóa chất đã hết và được tận dụng lại; người lao động không có trang bị bảo hộ đúng quy định, thậm chí không có giấy chứng nhận đủ sức khỏe, chứng nhận đã qua tập huấn, kiểm tra kiến thức ATVSTP do ngành chức năng tập huấn và cấp hàng năm. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ thì các vi phạm ATVSTP là phổ biến và khó kiểm soát. Các vi phạm chủ yếu là không rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hàng đông lạnh tự chế biến hoặc quá hạn sử dụng, hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc… vẫn được bày bán lẫn lộn với các mặt hàng tươi sống hàng ngày.

 

Tại cơ sở chế biến bánh ngọt Hương Tràm (T.P Thái Nguyên), khi được hỏi, các lao động đều trả lời: Mới vào làm, đang thực tập học việc, hoặc mới đổi ca, chưa kịp mặc bảo hộ thì Đoàn đến kiểm tra… Cơ sở này tại thời điểm kiểm tra có đến 5/11 lao động trực tiếp trong khâu chế biến chưa có chứng nhận đã học kiến thức ATVSTP. Khu vực cửa hàng bày bán mặt hàng bảo quản lạnh, bao bì ghi điều kiện bảo quản từ 2-4 độ, nhưng tủ bảo ôn báo âm 30 độ? Còn tại Chợ Thái thì các hộ buôn bán nhỏ chỉ biết trả lời: “Hàng hóa nhập từ chợ đầu mối, bán trong ngày, muốn kiểm tra nguồn gốc thì kiểm tra từ chợ đầu mối…”.

 

Điều đáng nói là, khi được nhắc nhở, các chủ cơ sở, hộ kinh doanh đều trốn tránh, đổ lỗi cho người bán hàng thuê vi phạm, người bán hàng thuê thì cho rằng chỉ biết giao hàng và thu tiền theo giá được chủ hộ quy định. Cũng không ít hộ thẳng thắn trả lời: “Mua hay không là do người tiêu dùng tự quyết định, chúng tôi chỉ biết nhập vào là bán, không tự tay làm ra, cũng không phun, tẩm ướp hoá chất…”.

 

Rõ ràng, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều nhận thức rõ vấn đề ATVSTP nhưng họ vẫn vi phạm. Và khi bị kiểm tra, phát hiện, họ vẫn có rất nhiều lý do để giải thích cho những vi phạm của mình. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính về ATVSTP 1.375 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 4,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vi phạm thuộc lĩnh vực lưu thông, kinh doanh, gian lận thương mại.

 

Thực tế cho thấy, hiện nay, công tác quản lý chất lượng ATVSTP tại một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ. Phần lớn các sơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn là nhỏ lẻ, không tập trung nên khó khăn trong kiểm tra, giám sát. 

 

Về góc độ quản lý Nhà nước, việc thiếu kinh phí, phương tiện, nhân lực của các cơ quan chức năng, nhất là ở tuyến cơ sở đang là “lỗ hổng” trong kiểm soát ATVSTP. Một số cán bộ chuyên trách về ATVSTP tuyến cơ sở cho biết: Việc phối hợp giữa các ngành trong vấn đề quản lý chất lượng ATVSTP rất bất cập. Tại tuyến cơ sở, các ngành Công Thương, Nông nghiệp hầu như đều không có chuyên trách riêng về lĩnh vực ATVSTP. Bên cạnh đó, các thiết bị xét nghiệm nhanh chưa đáp ứng yêu cầu trong xử lý vi phạm. Ngoài ra, việc xử phạt đối với các cơ sở vi phạm vẫn còn mang tính “nhắc nhở” nên chưa tạo được sự răn đe cần thiết. Nhiều trường hợp đã ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về ATVSTP hàng năm, nhưng khi kiểm tra vẫn vi phạm.

 

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo tỉnh về ATVSTP, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Trung ương đã chia sẻ: “Việc đảm bảo ATVSTP là một quá trình xuyên suốt từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một giai đoạn nào trong quá trình trên đều có những tác động có thể dẫn đến tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Do đó, bên cạnh việc tham gia quản lý chất lượng ATVSTP của các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải nêu cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh. Muốn thực hiện tốt ATVSTP thì công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng tuyên truyền không chỉ là phổ biến pháp luật, hoặc theo các vụ việc mà cần hướng đến nâng cao nhận thức người dân, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, không còn tình trạng tùy tiện, dễ dãi với chính bản thân. Và như vậy không có cầu, tất yếu sẽ không có cung trên thị trường”.