Ý nghĩa nhưng còn nhiều bất cập: Nhiệm vụ còn nan giải (Kỳ III)

17:25, 10/09/2016

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta cần tái định cư (TĐC) tập trung cho 828 hộ, di chuyển xen ghép và ổn định tại chỗ cho khoảng 2.500 hộ với nhu cầu vốn là 305,4 tỷ đồng. Nhưng kết quả thực tế vẫn còn thấp do thiếu vốn đầu tư và những lý do chủ quan, khách quan khác.  Trong khi đó số hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai tiếp tục phát sinh mới do sự biển đổi khí hậu, thời tiết liên tục có mưa lớn gây lũ quét, ngập úng, sạt lở đất.

Bao giờ mới đưa hết dân ra khỏi nơi nguy hiểm?

 

 

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Ngoài các hộ dân ở xóm Mỏ Nước đã được di dời ra khu TĐC Tam Va, trên địa bàn xã còn nhiều hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, di chuyển xen ghép tại chỗ để người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Ông Lương Văn Khoan, xóm Chịp xã Bình Long (Võ Nhai): Hiện ngôi nhà đang nằm sát với chân núi mà không có đất để di dời ra nơi ở mới an toàn hơn. Năm 2014, gia đình tôi đã được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để cải tạo tại chỗ nhằm ngăn chặn đá lăn vào nhà nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì đá vẫn lăn từ trên núi xuống và sạt lở đất. Do vậy, tôi mong Nhà nước hỗ trợ để chúng tôi di dời nhà ở ra khu TĐC tập trung hoặc di dời xen ghép đến điểm an toàn ngay trong xóm Chịp.

Đặc biệt là tại các địa bàn miền núi, như: Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai… liên tục mưa lớn gây sạt lở đất, đá nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tải sản của nhân dân. Để di dời gần 600 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm và 2.460 hộ có nhu cầu di chuyển xen ghép trên địa bàn đã thống kê trong giai đoạn 2011-2015 (chưa kể số hộ phát sinh mới), tỉnh ta cần nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc di dời dân ra khỏi vùng thiên tai hoặc hỗ trợ để người dân phòng chống thiên tai tại chỗ không thể giải quyết hết một sớm, một chiều mà nên rà soát liên tục để chọn những hộ có độ nguy hiểm cao di dời trước.

 

Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thông tin: Trên cơ sở văn bản kiến nghị của các địa phương trong tỉnh, chúng tôi đã rà soát, báo cáo cơ quan cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục lập dự án xây dựng khu TĐC tập trung di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm về thiên tai. Trong đó, 2 khu vực được xem xét, ưu tiên thực hiện khu TĐC tập trung trong thời gian tới là thôn Phú Cốc, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) và xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai)…

 

Không chủ quan khi lập dự án

 

Phải thừa nhận, từ năm 2011 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và các chủ đầu tư khác trong tỉnh đã rất nỗ lực, có công trong việc tìm kiếm nguồn vốn, phối hợp với chính quyền 9 huyện, thành, thị trong tỉnh rà soát, lập dự án, triển khai xây dựng các khu TĐC tập trung  để lo cho người dân vùng nguy cơ xảy ra thiên tai. Song, từ thực tế các khu TĐC tập trung đã, đang được xây dựng thời gian qua còn nhiều bất cập như đã nêu ở trên, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương trong tỉnh nên sớm có sự điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ các mục tiêu mà Quyết định số 1776/QĐ-TTg đã đề ra. Sự thay đổi cần tiến hành ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, cho đến xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng các khu TĐC tập trung cho người dân vùng nguy cơ thiên tai để phù hợp với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và tập quán văn hoá của đồng bào.

 

Quan điểm chỉ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đất ở và di chuyển nhà cho người dân, còn đất sản xuất các hộ phải tự khai phá (nếu có thể) hoặc mua lại từ người dân sở tại của chủ đầu tư các khu TĐC là chưa phù hợp với thực tế cũng như hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bởi phần lớn các hộ trong diện phải di dời đến khu TĐC đều là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số kinh tế khó khăn, khó có thể mua đủ đất sản xuất tại nơi ở mới nên họ phải trở về nơi ở cũ để sản xuất, mưu sinh. Cùng với đó việc chia ô đất ở như ở đô thị rất bất tiện khi người nông dân xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi. Việc chủ đầu tư dành lượng lớn kinh phí Nhà nước cấp để xây dựng các công trình, như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá và các công trình khác có quy mô lớn đã làm giảm nguồn lực để hỗ trợ đời sống, đất sản xuất cho người dân.

 

Ví dụ, khu TĐC Tam Va, tại sao không dành một phần kinh phí để giải phóng mặt bằng với diện tích rộng hơn, dùng quỹ đất đó để cấp cho các hộ dân sản xuất? Thêm nữa, việc chính quyền một số địa phương đều chọn vị trí xây dựng khuTĐC tập trung gần trụ sở UBND xã hoặc trung tâm cụm xóm nên khoảng cách giữa nơi ở mới với đất sản xuất cũ của bà con đều khá xa. Các địa phương còn đề nghị chủ đầu tư “lồng ghép” một số hạng mục công trình phục vụ lợi ích chung như: chợ, cầu treo, nhà văn hoá… vào các dự án khu TĐC cũng khiến nguồn kinh phí bị dàn trải, thiếu hụt. Cấp đất ở cho các hộ dân tại khu TĐC nhưng chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương lúng túng trong quản lý, thiếu sự cam kết trách nhiệm của người dân. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả là có hộ dân trong diện di dời thực hiện được việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cả ở nơi mới và nơi cũ. Như vậy là việc đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

 

Có ý kiến cho rằng: Chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhất thiết phải lập dự án đưa nhiều hộ ra khu TĐC tập trung cùng lúc trong khi điều kiện về vốn, quỹ đất hạn chế dẫn đến cuộc sống của người dân nơi mới, nơi cũ đều dang dở. Hay, chính quyền nơi có dân ở vùng nguy hiểm và chủ đầu tư chỉ nên lựa chọn những hộ thật sự cấp bách để di dời đến khu TĐC mà ở đó đã có đủ đất ở, đất sản xuất và các điều kiện tối thiểu khác. Cùng đó là có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chuyên môn nên hỗ trợ để người dân vùng nguy cơ thiên tai di chuyển xen ghép và ổn định tại chỗ, chỉ xây dựng khu TĐC tập trung khi thực sự bức thiết và chọn vị trí có sẵn điện, đường, trường, trạm tại địa phương để xây dựng nhằm tiết kiệm tối đa phần vốn xây dựng cơ bản theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT…

 

Thay lời kết

 

Tái định cư cho người dân vùng nguy cơ thiên tai đòi hỏi chủ đầu tư phải có cách làm tỉ mỉ, chi tiết và thực sự trách nhiệm vì đây là nhiệm vụ có nhiều khó khăn, thách thức, khác biệt so với xây dựng khu tái định cư các dự án phát triển kinh tế (người dân ngoài được cấp đất ở, còn được nhận khoản tiền đền bù rất lớn). Về phía người dân, chính quyền địa phương có dự án cũng nên đưa ra những kiến nghị thích hợp ngay từ khi lập dự án để chủ đầu tư có đủ thông tin, kiến thức cần thiết. Tránh tình trạng khi triển khai dự án, người dân, lãnh đạo địa phương đều được mời dự họp từ đầu nhưng “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, rồi sau đó mới kêu khó, khổ, đề nghị thêm đủ thứ mà dự án thì đã kết thúc, quyết toán, không còn điều kiện bổ sung. Những vấn đề nêu trên đáng được các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chính quyền các địa phương trong tỉnh và cả những hộ dân được hưởng lợi quan tâm để chính sách nhân văn này đạt được các mục tiêu đề ra.