Ý nghĩa nhưng còn nhiều bất cập: Những “lỗ hổng lớn" cần lấp đầy (Kỳ II)

16:59, 10/09/2016

Trong khi có rất nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm trên địa bàn tỉnh muốn được di dời thì ngược lại có những khu TĐC tập trung xây dựng xong vài năm nay nhưng giờ trống vắng do ít hộ dân được hưởng lợi đến ở.

Khu TĐC trống vắng người

Theo Điều 7 của Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT, ngày 25-1-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg quy định: Việc dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC phải trên nguyên tắc tiết kiệm vốn đầu tư, quy mô công trình hợp lý, chỉ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất và ổn định dân cư trong vùng dự án. Các giải pháp thực hiện dự án, đặc biệt là giải pháp đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất huy động vốn đầu tư, tổ chức sản xuất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để xây dựng điểm dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.


 

 


Khu TĐC xóm Dưới 1, xã Văn Yên được xây dựng với số vốn trên 30 tỷ đồng để di dời 87 hộ dân ở địa phương nguy cơ bị lũ cuốn trôi được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm năm 2012 nhưng đến nay mới có 26 hộ được giao đất (200m2 đất ở/hộ), nhận tiền hỗ trợ (từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/hộ) xây dựng nhà ở kiên cố. Còn lại 55 hộ đã được cấp đất ở, nhận tiền hỗ trợ nhưng chỉ xây dựng công trình phụ nho nhỏ rồi lại về nơi ở cũ sinh sống. Cá biệt, có 6 hộ nằm trong danh sách được Nhà nước cấp đất ở, hỗ trợ tiền nhưng kiên quyết không nhận với lý do ra khu TĐC chật hẹp không thể chăn nuôi và quá xa nơi sản xuất hiện tại (khoảng 2km).

 

Ông Vũ Duy Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Văn Yên cho biết: “Khi triển khai Dự án, chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với địa phương họp dân, lấy ý kiến và đều nhận được sự đồng tình. Nhưng nhận đất, tiền hỗ trợ xong lại phát sinh nhiều khó khăn do di dời phải xây dựng lại nhà ở, công trình chăn nuôi tốn kém trong khi hầu hết các hộ dân không có điều kiện kinh tế. Cùng với đó là diện tích đất được cấp ở khu TĐC nhỏ nên không đủ khuôn viên trồng rau, chăn nuôi, đất sản xuất vẫn ở chỗ cũ nên người dân không muốn di dời. Cấp uỷ, chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt đến từng hộ vận động tuyên truyền nhưng người dân ra khu TĐC vẫn ít…”.

 

Ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Hỷ: Người dân chưa thường xuyên sinh sống ở khu TĐC Tam Va là do nhiều nguyên nhân như: không có tiền xây dựng công trình phụ, xa đất canh tác, chưa phù hợp với phong tục tập quán. Để làm quen với cuộc sống mới phải có thời gian, những khó khăn sẽ từng bước được khắc phục. Hiện nay, huyện đã có quyết định mở đường từ xóm Tam Va đi xóm Văn Khánh, gần với xóm Mỏ Nước. Sau khi đoạn đường hoàn thành sẽ giúp bà con khu tái định cư Tam Va lên nơi có đất sản xuất được gần và thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch UBND xã Bình Long (Võ Nhai): Những khó khăn, bất cập của người dân là không thể tránh khỏi, xã cũng đã tính đến nhưng địa phương cũng chỉ là người tiếp nhận, hưởng lợi. Chắc chắn sau này, khi các hộ chuyển về sinh sống sẽ phát sinh phức tạp, bất cập. Với diện tích dành cho các hộ chật hẹp như vậy mà các cấp, ngành chức năng không có quy trình, quy định, hướng dẫn cụ thể trong cách làm nhà, xây dựng công trình phụ, vệ sinh môi trường… thì rất khó để các hộ dân an cư ổn định, lâu dài.

Khu TĐC Đồi Tròn xã Lục Ba được chủ đầu tư đánh giá là hiệu quả nhất nhưng sau 3 năm đưa vào sử dụng và 2 lần chính quyền địa phương tổ chức xét, bình chọn mới có18/26 hộ dân đến xây dựng nhà ở (đợt 1 là 10 hộ, đợt 2 có 8 hộ). Nhưng 18 hộ đến ở tại khu TĐC Đồi Tròn vẫn giữ nhà cửa, đất sản xuất ở chỗ cũ nên đi lại 2 nơi. Ông Trần Đức Tuân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Lục Ba thông tin thêm: “Những hộ được nhận đất rất phấn khởi vì công trình kết cấu hạ tầng ở khu TĐC đầy đủ, khoảng cách giữa nơi ở mới với nơi ở cũ chỉ khoảng 1km nên người dân sinh hoạt, sản xuất thuận lợi. Tuy nhiên, nơi ở cũ còn nhà ở, công trình nên một số hộ thường ngủ qua đêm nên chẳng may có thiên tai thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên lãnh đạo địa phương vẫn phải tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác khi có lũ lớn”.

 

Mới đây, Báo Thái Nguyên cũng đã phản ánh những việc nhiều hộ dân được di dời đến khu TĐC Tam Va xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) nhưng vẫn về nơi ở cũ sản xuất và ở lại qua đêm trước mối nguy cơ sạt lở trong mùa mưa. Khu TĐC Tam Va được đầu tư khá bài bản về hạ tầng để phục vụ cho khoảng 60 hộ nhưng qua hơn 1 năm đưa vào sử dụng mới chỉ có 37 hộ dân đến nhận đất ở. Trong đó, nhiều hộ sau khi nhận đất ở chỉ xây nhà tạm và phần lớn thời gian vẫn quay về nơi ở cũ để sinh sống, sản xuất khiến quang cảnh Khu TĐC này gần giống như một nơi ở tạm. Nguyên nhân dẫn đến cảnh này là các hộ đều thuộc diện nghèo, dù được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ nhưng  không thể xây được nhà ở kiên cố, mua đất sản xuất gần nơi ở mới nên buộc phải quay về xóm cũ làm nương rẫy, chăn nuôi để kiếm sống.

 

Đáp ứng điều kiện thiết yếu và tập quán văn hoá

 

Tại một số khu TĐC tập trung ở xã Linh Thông (Định Hoá), Bình Long (Võ Nhai), Tân Thái, Vạn Thọ (Đại Từ) đang xây dựng đã có sự thay đổi khi được chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương chọn vị trí gần với nơi ở cũ của người dân. Nhưng thiết kế vẫn gần giống với khu TĐC ở đô thị (diện tích 200-300m2 đất ở được chia lô rộng 8-10m) nên chắc chắn khi người dân nhận đất, di dời đến ở sẽ lại phát sinh những vấn đề như các khu dân cư đã đưa vào sử dụng trước đó. Ngoài đất, những hộ di dời sắp tới cũng chỉ được hỗ trợ 20-40 triệu đồng/hộ nên phải mất từ 5 đến 10 năm sau mới ổn định được cuộc sống ở khu TĐC và chuyện đi lại 2 nơi sẽ tái diễn.

 

Ví dụ gia đình ông Dương Quốc Trung hiện có 8 khẩu cùng sống trong ngôi nhà sàn rộng khoảng 150m2 (chiều rộng hơn 10m, chiều dài trên 14m) nhưng đất ở khu TĐC được chia theo từng lô sát nhau, rộng 10m và chiều sâu 25m nên không thể “nhấc” ngôi nhà sàn đặt vào vị trí đó. Nhiều hộ dân khác của xã Bình Long đang ở nhà sàn cũng chưa biết xoay xở ra sao để chuyển nhà đến khu TĐC khi không đủ tiền để xây nhà mới kiên cố. Trưởng xóm Bậu, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng diện tích 250m2 TĐC cấp cho người dân là quá hẹp đối với người dân miền núi có truyền thống ở nhà sàn, rất khó để bố trí không gian sinh sống. Ông Trọng nói: Ngoài chỗ ở thì chúng tôi còn cần diện tích để xây bếp, công trình chăn nuôi, sân phơi nông sản…