Để mái ấm được bình yên

10:41, 25/10/2016

“Không ở đâu an toàn bằng chính ngôi nhà của mình”. Câu nói này chỉ đúng đối với những gia đình hạnh phúc. Nhưng còn đó trong xã hội, không hiếm gia đình ở cảnh “đồng sàng dị mộng”.

“Xấu chàng hổ ai”

 

Chứng kiến nhiều trường hợp vợ chồng nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, bao giờ tôi cũng nghe thấy câu nói gắt của người đàn ông: “Có câm mồm ngay đi không”?. Đáp lại là lời chanh chua: Tôi không câm, ông giỏi thì đánh đi (?). Hầu hết các đấng mày râu đều không thích thú khi phải cho vợ ăn đòn. Và nếu được hỏi ở lúc bình tĩnh nhất, các ông chồng đều có chung câu trả lời: “Vì cơm sôi nhưng lửa không chịu nhỏ”.

 

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Xây dựng Đời sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên): Từ năm 2010 đến hết năm 2015, trên địa bàn của tỉnh xảy ra gần 3.000 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế... Đây là những vụ BLGĐ được nạn nhân khai báo với địa phương. Còn phần chìm của tảng băng chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần so với số liệu thực tế. Trong 3 năm (từ năm 2013 đến 2015), toàn tỉnh có 705 gia đình xảy ra bạo lực, được ban hòa giải cơ sở vào cuộc. Nhiều gia đình sau khi được hòa giải, cuộc sống vợ chồng trở lại êm ấm. Điều quan tâm là tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh không giảm: Năm 2013 có 274 gia đình; năm 2014 có 212 gia đình, năm 2015 có 219 gia đình. Các địa phương có nhiều gia đình xảy ra bạo lực là: Phú Bình, Đại Từ và Đồng Hỷ... các huyện, thành phố và thị xã còn lại cũng đều tồn tại BLGĐ.

 

Cơn cớ dẫn đến BLGĐ bắt đầu từ nguyên nhân cuộc sống vợ chồng thiếu bình đẳng; không đồng quan điểm sống; cố chấp chuyện nhỏ nhặt; thiếu kỹ năng ứng xử; chồng hoặc vợ áp đặt cho nhau có người khác bên ngoài, không để cho “đối tác” giải thích. Giữa vợ chồng có sự phân biệt, đối xử chưa công bằng với họ mạc. Cách ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, xô xát, thậm chí gây án mạng.

 

BLGĐ xảy ra còn bởi nguyên nhân từ ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác phòng, chống BLGĐ. Chưa thực quan tâm trong triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Việc xử phạt hành chính khi xảy ra BLGĐ còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là do nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng làng, xóm, tổ dân phố trong việc phòng, chống, ngăn chặn BLGĐ rất hạn chế, dẫn đến không làm hết trách nhiệm. Nhiều xã, phường, thị trấn còn cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Về bản thân nạn nhân của BLGĐ (đa số là phụ nữ) lại bao che cho hành động sai trái của chồng. Vì quan niệm: “Xấu chàng hổ ai” mà cố nín nhịn chịu đòn.

 

Để những mái ấm được bình yên, trong những năm gần đây, các cấp, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức cho mọi người dân. Như mở các lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi… đến các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động hội thảo, hội thi được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, như: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ...

 

Một thông tin vui là đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên đều đã xây dựng được đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ. 100% trạm y tế xã phường, thị trấn được xây dựng địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Tại cộng đồng dân cư có 2.072 cơ sở đăng ký xây dựng địa chỉ tin cậy, trong đó 96 địa chỉ tin cậy được UBND cấp xã công nhận. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã thành lập Phòng tham vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Một thuận lợi là từ nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên thực hiện lồng ghép tuyên truyền thực hiện phòng, chống BLGĐ vào các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng nông thôn mới; đưa nội dung phòng, chống BLGĐ thành một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu: Gia đình văn hóa; làng, bản, xóm, phố văn hóa; cơ quan văn hóa.

 

Thật không có gì hạnh phúc hơn khi mỗi người biết chia sẻ yêu thương, biết làm cho tình yêu thương thành tài sản vô giá trong cuộc đời. Trong cuộc đời, có những thứ mà tiền bạc không thể mua được; quyền thế không thể sai khiến được - đó là hạnh phúc gia đình.