Hướng về phía mặt trời

10:43, 28/10/2016

Bản thân và con gái nhỏ đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV nhưng chị Nguyễn Thị Thắm, ở xóm Xuân Đào, xã Đào Xá (Phú Bình) đã vượt lên những tuyệt vọng, khổ đau để làm chỗ dựa cho con. Chị sống lạc quan, mạnh mẽ với tâm niệm: HIV không phải là hết, hãy cứ như đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời khi vẫn còn được sống.

Nếu như không được nghe kể về hoàn cảnh của chị Thắm trước sẽ ít ai nhận ra được người phụ nữ này đang kề cận với bản án “tử hình” của HIV bởi tiếp xúc với mọi người chị luôn lạc quan vui vẻ. Ngược thời gian, chị kể cho chúng tôi nghe về những biến cố của cuộc đời mình. Năm 1993, chị nên duyên vợ chồng với người xã bên là anh Phạm Văn Quang, do lúc tìm hiểu ít có điều kiện gặp nhau nên chị Thắm không phát hiện ra anh Quang đã nghiện ma túy trước khi đến với chị. Về ở chung một nhà, mỗi khi lên cơn nghiện là đồ đạc trong nhà chồng chị đều đem bán hết, đến cả mấy sào ruộng, ngôi nhà tránh nắng mưa của cả nhà cũng bị anh mang cầm cố để lấy tiền mua ma túy. Chán chường, thất vọng nhưng “ván đã đóng thuyền” rồi nên chị Thắm chấp nhận số phận, hy vọng dùng sự kiên trì, dịu dàng của một người vợ để cai nghiện cho anh. Thế nhưng, sức hút của “nàng tiên nâu” quá lớn, mặc cho chị khóc than, oán giận hay nỉ non khuyên nhủ chồng chị vẫn không dứt ra được. Khi chị sinh cô con gái thứ 2 cũng là lúc anh Quang thấy sức khỏe mình yếu dần.

 

Năm 2011, chị Thắm đi làm xét nghiệm theo lời khuyên của một người bạn. Lúc cầm kết quả trên tay, đất trời như sụp đổ trước mắt khi bác sĩ kết luận chị dương tính với HIV. Chị nhanh chóng đưa các con đi làm xét nghiệm và cầu mong cho 2 đứa con gái của chị được khỏe mạnh. Nhưng con gái út mới 5 tuổi của chị cũng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Từ khi biết hai mẹ con cùng bị bệnh, chị Thắm khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng, suốt 3 tháng ròng hầu như chị không ăn uống gì mà chỉ nằm bẹp một chỗ, sức khỏe yếu đi, căn bệnh chị mang trong mình lại càng phát tác nhanh hơn khiến tóc chị rụng hết, da bong tróc từng mảng lớn và mụn lở loét khắp người tưởng không sống nổi. Nhưng nghĩ nếu mình chết đi, các con sẽ không có chỗ dựa. Chị lại cố gắng tự vực mình dậy, dùng thuốc chữa bệnh và ăn uống đầy đủ, kết quả là sức khỏe của chị đã dần bình phục.

 

Sau khi khỏe lại, chị Thắm công khai căn bệnh của mình cho mọi người biết. Lúc đầu nhiều người không hiểu đã xa lánh chị, đi đâu chị cũng bị người ta nhìn với ánh mắt đề phòng. Nhiều hôm đi làm đồng khát nước lắm mà chị cũng không dám vào nhà người quen để uống nhờ, ai đến nhà chị hỏi gì chị đều tiếp ở cổng vì mặc cảm. Trước nỗi đau và chồng chất khó khăn chị Thắm tự động viên mình không được tuyệt vọng, phải cố gắng giữ sức khỏe để lo cho các con. Hàng tháng chị đều đặn lên huyện để xin thuốc điều trị dành cho người nhiễm HIV về cho 2 mẹ con uống nên vẫn duy trì được sức khỏe. Sau này, khi căn bệnh thế kỷ được tuyên truyền nhiều hơn thì những người sống quanh chị mới hiểu ra và không còn kỳ thị với chị như trước. Bây giờ chị Thắm đã có thể đi làm chung và cùng sinh hoạt với mọi người, nhờ thế, chị có thêm niềm tin để sống cho mình và động viên những người cùng cảnh ngộ vươn lên xóa bỏ mặc cảm.

 

Câu chuyện giữa chúng tôi và chị Thắm chợt chùng xuống khi nhắc đến các con. Chị bảo đến giờ con gái út đang học tiểu học vẫn chưa biết mình bị nhiễm HIV vì chị giấu. Mỗi lần cho con uống thuốc chị đều phải nói dối đó là thuốc bổ. Nhìn con lớn lên không được khỏe mạnh như những đứa trẻ cùng trang lứa do sức đề kháng kém, chị đau như đứt từng khúc ruột nhưng không biết phải làm thế nào.

 

Chúng tôi xin đề nghị được chụp ảnh đăng hình và tên của chị lên trên báo để những người nhiễm phải căn bệnh này có thêm nghị lực đối mặt với cuộc đời như chị. Trước khi đồng ý, chị Thắm bảo: Hy vọng câu chuyện của chị sẽ giúp những người cùng cảnh ngộ lạc quan hơn trong cuộc sống. Chỉ cần hiểu đúng về căn bệnh và biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân thì HIV không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ.