Không phải là thuốc bổ

15:14, 08/10/2016

Thuốc lá - loại thuốc không bổ. Ai cũng biết như vậy, nhưng nhiều người hằng ngày đang tự mình “nạp” vào cơ thể một thứ khói mang theo chất nicotin. Dù từ lâu, các cơ quan chức năng  đã có nhiều những hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thông qua việc cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, biểu ngữ, mít tinh… Ngay trên vỏ bao thuốc lá, hình ảnh trực quan, khiếp đảm về người đàn ông mắc bệnh lao phổi với cơn ho rũ rượi. Thay vì lời quảng cáo hấp dẫn “Ngon, bổ, rẻ” là dòng chữ: “Hút thuốc lá có thể gây ung thư”.

Biết thế, song nhiều người vẫn đốt thuốc lá hút mỗi ngày. Ông Trịnh Xuân Tuấn, 60 tuổi, ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai) là một người trong số đó. Ông kể: Năm 12 tuổi, tôi đã cũng mấy thằng bạn mục đồng chui rào vào vườn của nhà hàng xóm hái trộm lá thuốc, mang về phơi khô, xé vở học cuộn thuốc hút. Cụ già bắt quả tang giần cho trận đòn nhừ tử.

 

Nhớ lại thời bao cấp, nhiều người không chỉ thèm cơm có thịt cá, mà còn thèm được khói thuốc lá khi trà nước và cả lúc đang làm việc. Với người già là bởi thói quen; với người trẻ là do học đòi rồi thành quen, hoặc hút thuốc lá để thể hiện đẳng cấp. Ngày đó tôi còn nhỏ tuổi, song vẫn được xem trên sách báo, phim ảnh, khi nói về một nhân vật điển hình thường có điếu thuốc kẹp giữa 2 ngón tay; hoặc đang nhìn lên bầu trời, miệng nhả khói trong tâm trạng suy tư. Rồi bạn bè thân, sơ gặp mặt, thường thân thiện mời nhau hút thuốc lá, mà phải mời bạn hút cho bằng được mới vui.

 

Hôm đầu tháng Mười mới đây, tôi đến thăm ông Hoàng Văn Vượng, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Ông Vượng lấy thuốc lá mời. Tôi khước từ bằng cách lấy lý do mình bị bệnh hen suyễn. Ông Vượng ôm ngực ho một tràng dài, rồi khạc nhổ đờm rãi vào cái ống bơ để bên cạnh. Mới hơn 60 tuổi đời, nhưng ông đã nghiện thuốc lá từ 40 năm nay. Ông bảo: Thuốc lá hay lắm, hút đi, khói nó làm mình tỉnh táo… Nể lời, tôi cầm điếu thuốc, và thấy trên khuôn mặt ông quầng mắt thâm đen, dấu hiệu của người bị mất ngủ.

 

Mở ngăn kéo bàn ông lấy, đưa cho tôi xem tấm phim chụp X-quang, kèm theo một câu nói lạnh gáy: Vua Diêm Vương có ý mời tôi xuống làm trợ lý rồi. Đấy, anh xem, thuốc lá đã làm hỏng 2 lá phổi của tôi. Bác sĩ bảo phải bỏ ngay thuốc lá; vợ con cũng động viên bỏ thuốc lá, nhưng không thể bảo bỏ là bỏ được ngay, vì trong cơ thể của tôi đã quen với khói thuốc lá.

 

Nhiều người nghiện hút thuốc lá đã thề với vợ, con, bạn bè và tự thề với lòng mình rằng: Tôi quyết tâm đoạn tuyệt với "nàng lá". Nhưng rồi, phần lớn trong số họ không vượt qua nổi chính mình. Họ trở thành kẻ thua cuộc, sống lệ thuộc vào khói thuốc lá. Ông Lại Văn Trọng, 70 tuổi, ở xã Nga My ‘Phú Bình’ đã có cháu gọi bằng ông nội, ông ngoại. Vì nghiện hút thuốc lá, ngày nào ông cũng phải “thương thuyết”, xin các cháu cho ông được hút tí ti cho đỡ thèm. Cũng vì hút thuốc lá, nên trong nhà, ông đứng một phe; vợ, con và các cháu của ông đứng một phe. Có lần vừa châm lửa hút thuốc, vợ ông gào lên: Ông cố tình giết chết cả cái nhà này à? Mấy đứa cháu xô nhau chạy ra sân. Bữa cơm dọn ra, không ai nói một lời. Nhìn cơm, canh nguội ngắt; vợ, con mặt chì ra, ông thở dài: - Thuốc lá có đáng bao nhiêu tiền đâu mà mẹ con chúng mày biểu tình? Vợ ông ấm ức: -Thế ông chọn thuốc lá hay chọn vợ, con?  

 

Không ít gia đình luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng vì thuốc lá. Bà Hoàng Thị Luyến, ở xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên), kể: Chừa lúc đang ngủ chồng tôi mới không phì phèo. Mỗi ngày ông ấy đốt hết 2 bao thuốc. Khói thuốc lá làm phòng ngủ của vợ chồng hôi hám. Cũng vì thế mà vợ chồng “mỗi đứa” nằm một nơi. Ông Phan Văn Hoàng, chồng bà Luyến thanh minh: - Cũng tại bà, ngày mới yêu nhau, bà còn mua thuốc cho hút nên mới nghiện. Bà Luyến thanh minh: - Tại hồi ấy thấy “mấy anh” ở tập thể khổ quá, cơm chẳng đủ no mà tối nào cũng thúc nhau nhặt mẩu thuốc lá, cuộn vào giấy báo, mỗi anh hút vài hơi, ho sù sụ vì mẩu thuốc bị ẩm mốc.

 

Cuộc đời “ngắn chẳng tày gang”, biết là thế song những người nghiện hút thuốc lá chẳng ngần ngại khi tự đốt ngắn hơn tuổi thọ của cuộc đời mình. Họ chẳng kể người thân, bạn bè và bao nhiêu người trong xã hội. Họ đốt thuốc tối ngày, làm khe ngón tay vàng cháy, môi khô lại, hàm răng xỉn ố trong cái miệng hôi hám. Hôm đầu tháng Mười, nhân ngày Quốc tế người cao tuổi Việt Nam, ngồi trà nước ở khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp ‘T.P Thái Nguyên’, tôi vô tình gặp những “cao thủ” đốt thuốc lá đang thi trò nhả khỏi thành vòng tròn. Để có nhiều “nguyên liệu”, họ phải hút thật mạnh để găm khói trong miệng, rồi từ từ thổi ra từng chữ O nằm song song với mặt đất.

 

Chứng kiến trò vô bổ này, tôi biết họ là người có tiền, nhưng thiếu kiến thức về tác hại của thuốc lá. Họ đang nạp vào cơ thể mình thứ khói mang theo khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất là tác nhân gây nên bệnh ung thư. Và họ cũng không biết rằng mỗi ngày Việt Nam có hơn 100 người chết vì nhiều thứ bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tôi nghĩ: Họ còn trẻ tuổi, song họ là những ứng viên nặng ký của căn bệnh ung thư có liên quan đến khói thuốc lá.

 

Trường hợp ông Bùi Tuấn Nghĩa, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Ông nói chuyện với chúng tôi khi điếu thuốc lá đang kẹp giữa 2 ngón tay. Thỉnh thoảng ông thổi khói như hun chuột đồng, khiến tôi bật cơn ho. Bằng chất giọng của người mắc chứng bệnh hô hấp, ông khò khè kể: Tôi 3 lần suýt chết vì thuốc lá. Lần 1, năm 2000, tôi nhặt mẩu thuốc đêm trước bỏ dưới đất, châm lửa hút. Tôi nuốt hết 5 khói, thấy choáng váng rồi bị ngã xấp mặt xuống đất. Vụ đó tôi bị gẫy mất 4 răng cửa. Lần 2, năm 2005, vừa đi xe máy, vừa hút, khói thuốc lá bay vào mắt, cay xè, xe mất lái lao vào vệ đường, tôi bị gẫy một chân. Lần 3, năm 2011, nằm hút thuốc lá trong giường bị ngủ quên, tàn thuốc làm cháy mất cái chăn bông. May kịp vùng dậy chứ không cả nhà bị chết cháy.

 

Mỗi lần dừng lời là một lần ông nạp điếu thuốc lá vào miệng. Ông hút thuốc lá như thể lấy hơi để thở. Rồi chợt ông nhớ ra việc phải làm trong ngày. Ông đeo lên vai chiếc bình phun thuốc trừ sâu, tập tễnh ra khu ruộng trước nhà. Tôi thấy điếu thuốc lá trên miệng ông lập lòe đỏ. Ông đặt nhẹ chiếc bình phun xuống bờ cỏ, lấy trong túi áo ra một gói thuốc, loại Sirius 70WDG ‘thuốc trừ cỏ’. Loay hoay vì quên mang theo dao, kéo để cắt bao bì, ông nhả điếu thuốc lá trên vạt cỏ, ghé miệng, dùng răng cắn rách gói thuốc, cho vào bình và bắt đầu công việc. Khói thuốc lá và thuốc trừ cỏ bện quanh ông, như thứ ma chơi vờn vã làm ông quên đi giới hạn của sức khỏe con người.

 

Mong ông, và bao nữa những con người đang sống khỏe, không nên tìm nguồn vui qua điếu thuốc. Vì khói thuốc lá - kẻ thù của sức khỏe con người... Thiết nghĩ: Sẽ không bao giờ là quá muộn khi mỗi người biết chăm sóc sức khỏe của mình, bắt đầu bằng cuộc sống không hôi hám do khói thuốc lá.