HIV/AIDS đang tấn công vào môi trường làm việc của lực lượng lao động trẻ - đây chính là nơi dễ lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi tập trung nhiều lao động từ các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn. Hải Dương là một địa phương tỉnh đang phải đối mặt với thực trạng đó.
* Phát hiện HIV dương tính trong nhóm di dân
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 30/6/2016, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống tại Hải Dương là 1.805 người; bệnh nhân AIDS còn sống là 1.298 người; 1.605 trường hợp đã tử vong do AIDS. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xét nghiệm phát hiện mới 135 trường hợp nhiễm HIV; 162 bệnh nhân AIDS; 42 trường hợp tử vong do AIDS.
Theo kết quả giám sát trọng điểm và giám sát phát hiện tại tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh này đã có trường hợp HIV dương tính từ nhóm dân di biến động, trong đó có người lao động tại các khu công nghiệp.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết: Hải Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, các khu công nghiệp, các hoạt động và dịch vụ vui chơi giải trí... được mở rộng. Hiện Hải Dương có 10 khu công nghiệp với tổng số 77.000 nhân công. Do đó, những năm gần đây tỉnh có nhiều biến động lớn dân số. Một bộ phận không nhỏ người lao động từ các vùng nông thôn được huy động đến các cụm khu công nghiệp, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp với tốc độ chuyển dịch dân số, dẫn đến an sinh xã hội không bảo đảm. Bên cạnh đó, việc quản lý người lao động tại các khu công nghiệp còn nhiều bất cập. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất làm gia tăng các vấn đề xã hội như: Mất trật tự an ninh xã hội, tình dục không an toàn làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai trước hôn nhân...
Bác sỹ Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh: Khó khăn nhất trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại khu công nghiệp là tiếp cận tuyên truyền. Nhiều chủ doanh nghiệp, khu công nghiệp không muốn công nhân tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, nhiều công nhân lo ngại bị sa thải, phân biệt đối xử, kỳ thị khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS.
Đồng thời, việc quản lý người bán dâm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do hoạt động mại dâm tại Hải Dương không tập trung mà rải rác trên toàn tỉnh, mang tính nhỏ lẻ, gái mại dâm chủ yếu từ nơi khác đến…Vì vậy, hiện nay, số gái mại dâm trong danh sách quản lý của công an tỉnh chỉ chiếm phần rất nhỏ so với thực tế. Bên cạnh đó, lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cao là nam quan hệ đồng giới (MSM) cũng cần lưu ý. Theo số liệu tổng hợp từ Dự án VUSTA (Dự án thành phần của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS) trong năm 2015, số người MSM đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ và tiếp cận được ở Hải Dương là 1.323 người, trong đó chủ yếu ở thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Gia Lộc.
Mặc dù các khu công nghiệp đều có ký túc xá cho công nhân với mức giá phải chăng nhưng người ở rất ít. Điển hình là ký túc xá một khu công nghiệp ở Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có 2.500 chỗ ở cho các nữ công nhân với phòng máy lạnh…mức phí chỉ 80.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.000 chỗ được sử dụng. Các nữ công nhân đa phần không muốn ở ký túc xá bởi họ hầu hết đang ở tuổi “cập kê”, thích giao lưu, gặp gỡ, trong khi ký túc xá đóng cửa vào 20 giờ và cấm người lạ vào. Do đó, đa số công nhân doanh nghiệp này đều ra ngoài thuê nhà ở với mức giá cao để được tự do...
*Tích cực phòng chống HIV/AIDS ở nhóm nguy cơ cao
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết: Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia, Hải Dương triển khai toàn diện nhiều hoạt động tích cực, nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cư cao, thông qua những Đề án của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó có Đề án dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS; tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả cho thấy, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, đa số các chỉ tiêu do Sở Y tế tỉnh và các dự án giao đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Đối với hoạt động can thiệp giảm tác hại, tính đến hết tháng 6/2016, dưới sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, tỉnh tiếp tục triển khai 10/12 địa bàn hoạt động cấp phát bơm kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện chích ma túy; cung cấp bao cao su cho các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí tại các địa bàn trọng điểm về tình hình ma túy, mại dâm. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, các cộng tác viên đã tiếp cận được gần 2.000 người nghiện chích ma túy và gần 500 tiếp viên nhà hàng, khách sạn cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su và hướng dẫn tiêm chích an toàn, tình dục an toàn. Đồng thời, tỉnh đã duy trì chất lượng hoạt động của 4 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn; thẩm định, cấp phép hoạt động cho 2 cơ sở điều trị mới tại Gia Lộc, Thanh Miện và 1 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Thanh Hà; đào tạo, tập huấn cho trên 100 lượt cán bộ tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến nay, số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở là 811 bệnh nhân (đạt 43% so với chỉ tiêu Chính phủ giao).
Ông Nguyễn Thế Anh nêu rõ: Thời gian tới, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương tiếp tục triển khai 4 chương trình chính, bao gồm: Thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; triển khai toàn diện các chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Đặc biệt tỉnh tiếp tục thực hiện cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; triển khai chương trình chăm sóc, điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao năng lực, theo dõi giám sát chương trình.
Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV cho đối tượng nguy cơ cao, không chỉ chú trọng các đối tượng lao động tình dục, ma túy, MSM, bạn tình của người nhiễm, Trung tâm còn chú trọng tuyên truyền giảm thiểu lây nhiễm HIV cho công nhân tại các khu công nghiệp. Do số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh nhiều nên Trung tâm đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh, đề xuất phối hợp với Liên Đoàn Lao động thành phố Hải Dương, Đoàn Thanh niên...triển khai lồng ghép các buổi tuyên truyền giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản... cho công nhân để nâng cao kiến thức phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng thực hiện các giải pháp để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Hiện nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương đang tạo điều kiện bố trí, cấp phát thuốc theo nhu cầu đăng ký của bệnh nhân, thậm chí Trung tâm còn cấp phát thuốc vào những ngày nghỉ để bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị thường xuyên, liên tục và không lo ngại bị lộ danh tính, bị phân biệt đối xử, kỳ thị.
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Tiếp cận để truyền thông về phòng chống HIV đối với người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất hiện là khó khăn chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả thì công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ để giảm rủi ro về lây nhiễm HIV, tạo môi trường làm việc ổn định, hài hòa cho người lao động. Đặc biệt, việc phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc không những giúp các doanh nghiệp bảo vệ được người lao động mà còn giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển…/.