Bằng các hình thức triển khai, mô hình phù hợp với đặc điểm của địa phương và tạo được sự gắn kết trong hội viên, phụ nữ, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sơn Cẩm (Phú Lương) đã thực hiện tốt các phong trào thi đua. Thông qua các hoạt động của mình, Hội đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Bùi Thị Hồng ở xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm hơn 1 năm nay không còn buồn như mấy năm trước đây. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồng bảo: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo nhất của xóm. Chồng đau ốm quanh năm, 3 con còn nhỏ nên kinh tế gia đình hầu hết dựa vào số tiền kiếm được từ công việc làm thuê của tôi. Mãi đến năm 2013, thông qua Hội LHPN xã, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế, từ đó cuộc sống của gia đình mới dần khấm khá hơn. Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã, cũng trong năm 2013, gia đình chị Hồng được hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”. Đến năm 2015, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi về phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, chị Vũ Kim Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Bến Giềng cho biết: Gia đình chị Hồng cũng là hộ nghèo còn lại duy nhất của xóm. Để có được kết quả này, Chi hội đã đẩy mạnh phong trào giúp nhau xóa nghèo thông qua nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên: nuôi lợn nhựa tiết kiệm, hỗ trợ thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hội viên phụ nữ khá giả giúp tạo việc làm cho hội viên khó khăn… Từ sự hỗ trợ này, các chị em đã cố gắng, cần cù lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hàng năm, Hội LHPN xã đã nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường, trồng hoa, trồng rau an toàn, chanh đào, thanh long… Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đã phối hợp tổ chức 42 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 3.600 lượt chị em phụ nữ về quy trình sản xuất lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, kỹ thuật trồng ngô lai, chăn nuôi thú y… Hội đã giới thiệu cho 630 phụ nữ vào làm việc tại các công ty trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Lương tổ chức 5 lớp dạy nghề may công nghiệp. Ngoài ra, Hội đã làm tốt hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm tạo điều kiện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế; duy trì và quản lý tốt vốn câu lạc bộ Liên thế hệ, vốn Nuôi lợn nhựa tiết kiệm… Thông qua các hoạt động giúp đỡ của mình, 5 năm qua, Hội đã giúp 34 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,1% (năm 2016).
Để triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPN, xã Sơn Cẩm đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn chi tiết 19/19 chi hội thực hiện 8 tiêu chí (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Hội đã thành lập 6 mô hình tự phân loại rác tại gia đình, 3 câu lạc bộ không sinh con thứ 3, 1 câu lạc bộ không có người mắc tệ nạn xã hội. Hội cũng đã triển khai mô hình “10 chung 1” (10 phụ nữ có hoàn cảnh khá giả tập trung giúp 1 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) tại xóm Cao Sơn 2, thành lập 10 câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường với 670 chị em tham gia, 6 mô hình trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Bà Nguyễn Thị Liễu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Cao Sơn 2 chia sẻ: Hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình đến hội viên phụ nữ. Định kỳ vào ngày 30 hàng tháng, chị em phụ nữ trong xóm thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm. Chi hội cũng đã xây dựng các bể rác thải trên cánh đồng, tập huấn cho chị em cách phân loại rác thải và tái chế rác trong gia đình, thực hiện mô hình câu lạc bộ tiết kiệm túi nilon bằng cách sử dụng làn khi đi chợ… Nhờ vậy, môi trường ở xóm luôn xanh, sạch, đẹp.
Chị Miêu Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Cẩm thông tin: Thực hiện các phong trào thi đua, Hội đã cụ thể hóa thành hành động, cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng chi hội. Chúng tôi đã phát động thi đua giữa các chi hội để chị em phấn đấu hoàn thành tốt các công việc. Thêm vào đó, điều quan trọng nhất là tinh thần gắn bó, đoàn kết của chị em. Từ đó, hiệu quả của các phong trào thi đua được nâng cao. Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả từ các phong trào thi đua của phụ nữ và hoạt động Hội phát triển toàn diện, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng phát triển.