Trả giá đắt nếu môi trường tiếp tục bị “làm bẩn”

08:36, 27/10/2016

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực nông thôn, làng nghề, lưu vực sông… đang ở mức cao; nhiều khu vực ô nhiễm, tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chậm được khắc phục; nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để.  Thực trạng này cũng khá phổ biến tại tất cả các địa phương trong tỉnh nên cần có sự đánh giá, quan tâm đầu tư đúng mức để tránh phải trả giá quá đắt khi môi trường bị ô nhiễm nặng nề…

Kỳ I: Ô nhiễm từ chăn nuôi “bủa vây” xóm làng

 

Lĩnh vực chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp của tỉnh, đang phát triển theo hướng hàng hóa, góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống của người nông dân. Tuy vậy, những tác động tiêu cực từ phát triển chăn nuôi không đi đôi với bảo vệ môi trường đang khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn.

 

Trang trại cũng xả trộm

 

Theo thống kê năm 2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 580 nghìn con lợn, gần 110 nghìn con trâu, bò và khoảng 11 triệu con gia cầm với tổng giá trị sản xuất của ngành Chăn nuôi là 3.705 tỷ đồng. Số vật nuôi lớn nên khối lượng chất thải lên đến vài trăm nghìn tấn mỗi năm nhưng chưa được xử lý hiệu quả.

Nhiều tháng nay, ban lãnh đạo xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) ngoài giải quyết công việc thường ngày còn phải giám sát, kiểm tra đột xuất một số trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn vì người dân phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Mặc dù 2 trang trại lợn trên địa bàn xóm 5 đã từng bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt khá nặng do gây ô nhiễm môi trường, nhưng người dân địa phương vẫn nghi có hiện tượng xả “trộm” vì thi thoảng vẫn thấy mùi xú uế.

 

Cùng ông Vũ Đức Thành, Bí thư Chi bộ xóm 5 và một số người dân địa phương đi thị sát, chúng tôi đến những nơi nghi có ống xả thải mà chủ các trang trại nuôi lợn làm để xả ra khe suối. Có chỗ chúng tôi phải vượt qua cánh đồng, xuyên trong nương chè, lội suối. Có lẽ chính vì thế mà các chủ trang trại thường lợi dụng khi trời mưa to, nước lớn, vào ban đêm để xả trộm chất thải ra các khe suối, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí như phản ánh của người dân. Một trong những trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường khiến bà con ở xóm 5 bức xúc nhất là của ông Nguyễn Duy Tư. Việc cơ sở chăn nuôi này gây ô nhiễm môi trường, chính quyền đã nhiều lần đến nhắc nhở nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đến cuối tháng 4-2016, khi có tin báo của người dân, đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng đã đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản và sau đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt trang trại này 167,8 triệu đồng. Ở xóm 5, không chỉ có trang trại chăn nuôi lợn của ông Tư mà trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Sông Cầu cũng có vi phạm tương tự và đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt trên 71 triệu đồng.

 

Sống cùng… ô nhiễm.

 

Một ngày cuối Thu, tại xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), tiết trời trong vắt nhưng bà Nguyễn Thị Hà cùng vài người đang hái chè vẫn phải đeo khẩu trang kín mít vì mùi phân gia cầm lẫn thức ăn công nghiệp bốc lên nồng nặc. Gần đó có 2 trang trại gà quy mô khoảng 1.600 contrang trại/lứa, cách nhà bà Hà và một số hộ dân khác hơn 100m theo đường chim bay. Quả thật, chỉ đứng trò chuyện một lúc mà chúng tôi đã thấy rõ mùi hôi đặc trưng, nhất là mỗi khi có cơn gió nhẹ lướt qua. Thấy tôi lấy tay bịt mũi, bà Hà nói: Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên xóm nhưng chưa thấy giải quyết… Bế cháu nhỏ từ trong nhà gần đó ra, ông Đinh Văn Lộc góp chuyện: Khổ nhất là những hôm trời mưa hoặc ẩm ướt, mùi hôi thối càng kinh khủng hơn. Nhà tôi có cháu nhỏ hay bị bệnh hô hấp, có lẽ một phần do ảnh hưởng của bầu không khí ô nhiễm này.

 

Đồng cảnh ngộ, hơn 5 năm qua, hàng chục hộ dân của hai xóm: Đồng Lạnh và Long Giang, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cũng luôn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi lợn của ông Hồ Quang Tuấn gần đó gây ra. Người dân thường phải đóng cửa suốt ngày để hạn chế mùi hôi thối. Không chỉ vậy, 2ha ruộng của xóm Đồng Lạnh còn bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như trước đây, người dân còn cấy 2 vụ lúa/năm thì nay phải bỏ hoang. Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng phân lợn do trang trại xả trực tiếp ra cánh đồng gần đó, rồi theo dòng chảy tích tụ tại đập Đồng Lĩnh, giáp xã Phúc Trìu gây ô nhiễm nguồn nước và không khí.

 

Phú Bình là huyện thuần nông nên số lượng trang trại, gia trại lớn và không ngừng tăng. Theo thống kê của phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, trung bình mỗi năm toàn huyện có từ 20 đến 30 trang trại, gia trại mới. Nhìn chung, các cơ sở chăn nuôi đều xây dựng hầm biogas (đối với chăn nuôi lợn có quy mô từ vài chục con/lứa trở lên) hoặc sử dụng đệm lót sinh học (đối với trang trại chăn nuôi gà) và được các cơ quan chức năng thẩm định hoặc thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn khiến người dân nhiều nơi bức xúc. Ông Nguyễn Văn Oanh, xóm Núi, xã Nga My (Phú Bình) phàn nàn: Mặc dù các hộ chăn nuôi quy mô lớn có xây bể biogas nhưng thường bị quá tải. Gia đình tôi và hàng xóm không ít lần nặng lời với nhau vì chuyện mùi hôi, phân lợn tràn ra đường, ra mương, ruộng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, nhất là khi mưa gió…

 

Hiện nay, hầu hết các chủ gia trại, trang trại đã tự xử lý chất thải chăn nuôi bằng cách xây dựng bể biogas, dùng đệm lót sinh học, tận dụng chất thải làm nguồn phân bón cho cây trồng, nuôi thuỷ sản, nhưng khi lượng thải “quá tải” thì thường để tồn đọng hoặc xả thải trộm ra môi trường. Đây là vấn đề nan giải, ngày càng bức xúc ở nông thôn hiện nay. Đơn cử như huyện Phú Bình, hiện có 250 trang trại chăn nuôi nhưng chỉ có khoảng 70% là được cơ quan chuyên môn thẩm định về tiêu chuẩn an toàn môi trường. Ngay cả nhiều trang trại được thẩm định về an toàn môi trường vẫn gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động…

(Còn nữa)