Trả giá đắt nếu môi trường tiếp tục bị “làm bẩn”

08:07, 28/10/2016

Dân số tăng cộng với sự phát triển chung của xã hội đã khiến lượng rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn gia tăng từng ngày. Việc thu gom, xử lý rác thải gặp không ít khó khăn và còn mang tính tình thế, đối phó. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những điểm tập kết rác thải tự phát, “rác mồ côi” dọc các tuyến đường, sông suối hoặc trong những khu dân cư nông thôn.  

Kỳ  II: Xử lý rác thải còn mang tính đối phó

  

Nhìn đâu cũng thấy rác

 

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn trong tỉnh hiện mới đạt 60% và mới có 84/182 xã thành lập được tổ thu gom rác cấp xã. Thiếu nguồn lực đầu tư và nhân lực làm công tác môi trường nên đết hết năm 2015 mới có 43 xã trong tỉnh hoàn thành tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn mới.

Hai bên đường tỉnh 266 nối từ Quốc lộ 3 sang Quốc lộ 37, nhất là đoạn qua xã Điềm Thụy (Phú Bình) hiện có một số điểm tập kết rác thải gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Khu vực này có những tấm biển với nội dung “cấm xả rác”, nhưng trớ trêu là chính những nơi cắm biển lại có nhiều rác nhất. Tương tự, hai bên Quốc lộ 37, đoạn qua huyện Phú Bình cũng có không ít “rác mồ côi” và một số điểm tập kết rác tự phát từ khá lâu, điển hình là điểm cạnh cầu Quyết Tiến (xóm Trại, xã Nhã Lộng). Không chỉ dọc các tuyến đường, tình trạng vứt rác thải bừa bãi còn xảy ra ở nhiều khu vực khác của huyện Phú Bình, đặc biệt là tại các khu vục họp chợ, sông suối, kênh rạch. Tại xã Nhã Lộng, rác thải từ hoạt động kinh doanh ở chợ Cầu thường không được thu gom, vận chuyển ngay sau mỗi phiên chợ; người dân mua bán tại điểm họp chợ tự phát xóm Soi 2 vẫn tự do xả rác ra khu vực này. Một số tuyến kênh mương qua địa bàn xã cũng trở thành nơi “lý tưởng” để người dân vức rác thải nên có lúc đã bị tắc dòng chảy.

 

Được biết, huyện Phú Bình hiện chỉ có 1 bãi rác nhỏ hẹp tại thị trấn Hương Sơn, trong khi lò đốt rác mini tại xã Tân Khánh chưa chính thức vận hành. Theo ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Bình: Đơn vị hiện được giao thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn là Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường. Phạm vi thu gom mới chỉ tập trung tại khu vực trung tâm thị trấn và một vài “điểm nóng” về rác thải dọc tuyến Quốc lộ 37 với lượng chưa đến 3 tấn/ngày nên rác tồn đọng trong các khu dân cư còn nhiều. Phần lớn người dân vẫn tự xử lý rác thải bằng nhiều cách khác nhau hoặc đơn giản là bạ đâu vứt đó…

 

Không chỉ những nơi “đất chật người đông” như một số xã ở huyện Phú Bình, tại huyện vùng cao Võ Nhai, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt nông thôn cũng khá phổ biến. Đơn cử như khu vực chợ của xã Tràng Xá, lâu nay trở thành “điểm nóng” về môi trường do rác thải. Sau các phiên chợ (cách nhau 5 ngày), rác thường không được quét dọn, thu gom ngay nên khuôn viên chợ không khác gì bãi rác. Lượng rác sau khi thu gom (thường là trước phiên chợ mới 1 ngày) đều được đổ tại 2 điểm tập kết tạm thời ngay bên bờ sông Dong gần chợ. Rác thải không được xử lý đảm bảo nên phát tán ô nhiễm và rất mất mỹ quan. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn một số điểm tập kết rác thải tự phát với lượng rác khá nhiều như: cầu Chẽo, cầu Nhọ.

 

Tương tự như xã Tràng Xá, nhiều địa phương thuộc huyện Võ Nhai cũng đang bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý thường xuyên. Tại trung tâm các xã, như: Dân Tiến, Bình Long, La Hiên, Cúc Đường, lượng  rác thải không ngừng tăng (theo ước tính của cơ quan chuyên môn thì khoảng 300kg rác/xã/ngày đêm), nhưng do không có nơi xử lý nên chủ yếu được mang đổ tại các bờ sông suối, khe núi, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngoài ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, ông Chu Thế Minh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Võ Nhai cho biết: Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất của người dân trên địa bàn có xu hướng tăng, các loại vỏ bao bì thải ra nhìn chung không được xử lý đảm bảo quy định mà thường bị vứt bỏ tự nhiên trên đồng ruộng, nương bãi. Nguy hiểm nhất là khi có dịch bệnh trên đàn vật nuôi, người dân có nơi còn tùy tiện vứt xác động vật ra sông, suối ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy cơ phát tán mầm bệnh…

 

Xử lý rác tạm thời

 

Theo bà Trần Thị Hương, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường), lượng rác sinh hoạt thải ra hằng ngày trên phạm vi toàn tỉnh hiện khoảng 600 tấn/ngày đêm, tăng 50% so với 5 năm trước. Trừ 2 thành phố, 7 huyện, thị khác của tỉnh phần lớn mới chỉ tổ chức thu gom tại các khu vực tập trung đông dân cư. Nhìn chung, tỷ lệ thu gom còn đạt thấp nên lượng rác tồn đọng nhiều. Số rác sau khi thu gom chủ yếu được chôn lấp thủ công, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều địa phương thiếu diện tích bãi rác cần thiết. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí để tổ chức thu gom, trả lương cho công nhân và mua trang thiết bị, đồng thời thiếu kinh phí xử lý rác thường xuyên.

 

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới (vì khó đạt tiêu chí môi trường), nhiều địa phương đã tích cực “xoay xở” áp dụng nhiều giải pháp nhưng còn mang tính chất đối phó theo kiểu xử lý tình thế. Ví dụ như tháng 6 vừa qua, UBND huyện Võ Nhai đã buộc phải cân đối kinh phí để chi trả cho Hợp tác xã vệ sinh môi trường Phú Cường tổ chức thu gom, xử lý khối lượng lớn rác tồn đọng tại khu vực trung tâm xã La Hiên. Ngoài ra, huyện cũng đang xem xét, đề nghị Hợp tác xã này thu gom thêm lượng rác tại trung tâm các xã đang có nhiều rác thải tồn đọng gây bức xúc, như: Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long và Cúc Đường. Tuy vậy, giải pháp này chỉ được coi là tạm thời vì nguồn kinh phí của địa phương hạn chế, nhiều người dân thiếu ý thức nộp phí vệ sinh môi trường. Mặt khác, bãi rác của huyện không đảm bảo diện tích để chứa lượng lớn rác thải từ các xã thu gom về.

 

Thời gian gần đây, bãi rác thị trấn Đu (Phú Lương) đã gây bức xúc cho người dân sống trong khu vực vì tình trạng quá tải, rác không được xử lý đảm bảo quy định dẫn đến phát tán mùi hôi thối. Nguyên nhân quá tải là do ban đầu bãi rác này chỉ được quy hoạch để chứa rác phát sinh tại thị trấn Đu và khu vực lân cận, nhưng nay phải nhận thêm lượng lớn rác thải từ 8 địa phương khác trong huyện. Dự án xây dựng bãi rác mới của huyện rộng 15ha tại xã Yên Lạc đã bị dừng thi công hơn 3 năm qua vì không bố trí được kinh phí. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các xã và đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện đã đồng ý cho đơn vị thu gom đưa rác từ các xã về đây.

 

Chính quyền cấp xã nhiều nơi cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc xử lý rác thải tại địa phương. Ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng (Phú Bình) phân trần: Xã không có bãi rác tập trung, việc bố trí điểm tập kết rác tạm thời cũng chưa thực hiện được do đất chật người đông, không có quỹ đất công phù hợp. Từ cuối năm ngoái, huyện đã bố trí kinh phí cho một đơn vị gom rác tại xã, nhưng chủ yếu ở khu vực trung tâm xã và dọc tuyến Quốc lộ 37. Xã đã vài lần phải bỏ tiền để thuê xử lý tạm thời một số điểm tập kết rác tự phát gây bức xúc trong nhân dân. Tương tự, xã Tràng Xá (Võ Nhai) cũng đã phải trích tiền để thuê máy xúc hoặc mua dầu đốt nhằm giải quyết tạm thời những điểm nóng về rác. Mới đây, Đoàn xã đã huy động lực lượng tham gia vệ sinh môi trường, nhưng chỉ được vài ngày rác thải lại xuất hiện khắp nơi…

 

Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn do rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải và mang tính cấp thiết, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn và cộng đồng vào cuộc một cách trách nhiệm, quyết liệt hơn.

 

(Còn nữa)