Trả giá đắt nếu môi trường tiếp tục bị “làm bẩn”

15:37, 31/10/2016

  Các đề án về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 đều chỉ khẳng định “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường nông thôn là các tổ chức, cá nhân chăn nuôi quy mô lớn. Cùng với đó là việc xử lý thiếu triệt để đối với bao bì, vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã chỉ rõ: Rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải chứa hoá chất bảo vệ thực vật phải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Song, trong 11 giải pháp được ngành chuyên môn tham mưu đưa ra để thực hiện bảo vệ môi trường nông thôn chưa đề cập sâu tới trách nhiệm, vai trò chính của người nông dân.

Kỳ III: Đâu là giải pháp khả thi?

 

 

Người nông dân cần được giúp đỡ

 

Theo chúng tôi, người nông dân là chủ thể của việc xả rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, trồng trọt gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Do đó, các cấp, ngành cần tích cực hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để người nông dân nhận thức được tác hại của vấn nạn ô nhiễm môi trường; cách xử lý, tận dụng một phần chất thải phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua,việc xử lý chất thải trong chăn nuôi đã được một số đơn vị, như: Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên phối hợp tư vấn kỹ thuật, tài trợ kinh phí hoặc cho vay vốn để các hộ chăn nuôi lớn xây dựng hầm biogas. Đây là giải pháp khá hữu hiệu khi tận dụng chất thải để tạo chất đốt, hạn chế ô nhiễm môi trường và tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Nhưng chi phí xây dựng 1 hầm biogas dung tích 15-30m3 phải mất từ 20-60 triệu đồng nên không phải hộ nông dân nào trong tỉnh cũng có khả năng đầu tư nếu thiếu sự hỗ trợ về vốn vay, tư vấn kỹ thuật.

 

Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Thanh Định (Định Hoá) cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư trên 50 triệu đồng xây hầm biogas 30m3 để xử lý chất thải, nước thải của trang trại nuôi lợn và lượng ga đủ dùng cho gia đình. Giờ số đầu vật nuôi tăng nên tôi muốn được vay vốn để xây thêm hầm biogas và tư vấn cách tận dụng nguồn khí ga sinh học bơm nén vào bình bán ra thị trường... Cũng như gia đình ông Minh, tại những trang trại nuôi từ 500 con lợn hay gia súc, 1.000 gia cầm/lứa trở lên thì mô hình hầm biogas không thể xử lý hết chất thải, nước thải. Vì thế họ đều mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích thu gom, tập kết chất thải để xử lý thành phân bón hữu cơ.

 

Đối với việc xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cách đơn giản và hiệu quả nhất ở nông thôn hiện nay là vận động, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại và tự đốt theo quy mô hộ gia đình. Còn công nghệ lò đốt rác mini được sử dụng tại các địa phương, như: Đại Từ, Định Hoá, Đồng Hỷ, Võ Nhai, về lâu dài sẽ “lợi bất cập hại” vì trực tiếp gây ô nhiễm không khí cấp độ khu vực.

 

Đẩy mạnh xã hội hoá

 

HĐND tỉnh đã thông qua việc thu phí bảo vệ môi trường với mức 8 nghìn đồng/người/tháng. Nhưng việc thu phí bảo vệ môi trường ở nông thôn khó khăn hơn thành thị nên không thể “lấy thu, bù chi” mà nguồn ngân sách phải đóng vai trò chính trong công tác này. Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Giai đoạn 2011-2015, huyện đã phải huy động khoảng 60 tỷ đồng để giải quyết vấn đề môi trường và giai đoạn 2016-2020 cần tối thiểu 15 tỷ đồng/năm để thu gom, xử lý rác thải. Lượng kinh phí này chưa đáp ứng yêu cầu trong khi số phí vệ sinh môi trường thu được hiện không đáng kể, nhất là ở các vùng nông thôn (chỉ đạt từ 10% đến 20% số hộ). Do vậy, chúng tôi cần nguồn hỗ trợ ngân sách từ cấp trên và luôn khuyến khích xã hội hoá đối với lĩnh vực này.

 

Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở từng huyện, thành, thị còn lại cũng chỉ ở con số từ 10 đến 68 tỷ đồng/năm. Khi nguồn lực từ ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu, UBND tỉnh và UBND 9 huyện, thành, thị nên mạnh dạn xây dựng các cơ chế đặc thù về hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế, phí để huy động thêm nguồn lực xã hội đầu tư vào việc giải quyết chất thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất. Thời gian gần đây có một số tổ chức đã được chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn tạo điều kiện thực hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải. Đơn cử, như: Hợp tác xã Vệ sinh Môi trường Phú Cường (Võ Nhai), Hơp tác xã Môi trường Thiện Hưng, Hợp tác xã Dịch vụ Vệ sinh môi trường Đồng Tâm (Đồng Hỷ) đang làm.

 

Kiên quyết xử lý vi phạm   

 

Ngoài nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nông thôn nói riêng còn khiêm tốn thì việc xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm chưa đủ sức răn đe cũng khiến cho công tác này còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn 2011-2015, các cấp, ngành trong tỉnh đã phê duyệt, xác nhận gần 4.000 thủ tục hành chính về biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và tổ chức được 1.231 cuộc thanh, kiểm tra. Qua đó cho thấy, sự chủ động của cơ quan Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường là khá rõ nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, trong vòng 5 năm qua chỉ có 2 trường hợp bị xử lý hình sự, 431 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Thêm nữa, số trường hợp vứt bỏ rác, xác động vật ra sông, suối, khu vực công cộng bị bắt quả tang để xử lý hành chính, không suy tôn gia đình văn hoá cũng chỉ có vài chục trường hợp.

 

Nông thôn Thái Nguyên vốn là nơi yên bình và trong lành nên để đảm bảo sự hài hoà trong phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân và công tác bảo vệ môi trường, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường ngay từ khâu quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; lựa chọn công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi. Đồng thời, các cấp, ngành trong tỉnh sớm đầu tư và triển khai hiệu quả từ tuyên truyền, vận động đến các hình thức hỗ trợ để người nông dân có ý thức thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, sản xuất. Chỉ khi người nông dân có tính chủ động trong ý thức, hành động cụ thể trong sinh hoạt, sản xuất thì vấn đề xử lý chất thải, rác thải ở nông thôn mới được giải quyết, môi trường sống mới giữ được sự trong lành như vốn có.