Xóa bỏ tập tục lạc hậu, nhân lên niềm hạnh phúc

14:47, 15/10/2016

Trong nhiều năm trở lại đây, tại các xóm, khu có đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Võ Nhai quan niệm chỉ lấy người trong cùng dân tộc đã có sự thay đổi. Điều này thể hiện, người Mông ở Võ Nhai không còn sống cục bộ mà văn hóa tại những vùng này đã có sự giao thoa, củng cố thêm mối đoàn kết, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương…

Cuối tháng 9 vừa qua, cô sơn nữ Hoàng Thị Vân, dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã nên duyên với chàng trai (dân tộc Dao) ở thị trấn Đình Cả. Gia đình, bà con trong xóm ai cũng vui mừng, bởi đây là trường hợp đầu tiên một người dân tộc Mông ở Mỏ Chì xây dựng gia đình với người dân tộc khác. Ông Ngô Văn Trú, Trưởng xóm Mỏ Chì cho biết: Quan niệm người dân tộc Mông chỉ lấy người cùng dân tộc đã có từ lâu. Nguyên nhân là trước kia việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc còn hạn chế, người Mông thường sống biệt lập, ngôn ngữ phổ thông nói còn chưa sõi nên người Mông lấy người cùng dân tộc thì sẽ giữ được nét văn hóa, bản sắc phong tục của dân tộc mình. Vì quan niệm lấy vợ, lấy chồng bó hẹp như vậy nên nhiều thanh niên người Mông ở Mỏ Chì không tìm được vợ cùng xóm đã phải lặn lội băng rừng, vượt núi đến những xóm, bản Mông khác tại các tỉnh xa xôi để tìm vợ… Hiện tại, quan niệm này đã không còn phù hợp nên thanh niên nam, nữ người Mông có thể tự do tìm hiểu, kết hôn với nhau mà không bị gia đình ngăn cản.

 

Xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) có 186 hộ dân với gần 800 nhân khẩu, với 98% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, số ít còn lại là dân tộc Tày, Kinh. Từ nhiều năm nay, quan niệm người dân tộc Mông chỉ lấy đồng bào dân tộc mình đã có sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, gần chục thanh niên nam, nữ đồng bào Mông ở Chòi Hồng đã lấy vợ, chồng là đồng bào các dân tộc khác. Điều này không chỉ tạo ra sự giao lưu văn hóa của các dân tộc mà còn dân xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu của người Mông đã tồn tại từ lâu đời, như: tình trạng hôn nhân cận huyết (con chú, con bá; con dì, con cậu lấy nhau); vi phạm chính sách dân số của Nhà nước và tảo hôn.

 

Ông Hoàng Văn Máy, Bí thư Chi bộ xóm Chòi Hồng cho biết: Hiện nay, trong xóm đã có 9 thanh niên nam, nữ người Mông của xóm Chòi Hồng đi tìm hiểu và xây dựng gia đình với các người người dân tộc khác. Đối với những gia đình này thì, đời sống tương đối khá giả so với người dân trong xóm, bởi họ khá năng động trong làm kinh tế và thực hiện chính sách dân số để chăm sóc con cái tốt hơn… Anh Dương Văn Hào (dân tộc Mông) ở xóm Chòi Hồng - kết hôn với chị Nguyễn Thị Thu, dân tộc Kinh cho biết: Vợ tôi là người xóm Mỏ Đinh, cách đây chỉ khoảng 5km, chúng tôi đã quen biết nhau khá lâu trước khi đi đến hôn nhân. Về phần lễ cưới thì bên nào theo phong tục bên đó. Hiện nay, vợ chồng tôi đã sinh 1 con gái và dự định chỉ sinh thêm 1 cháu nữa… Vợ tôi hiện đang làm ở Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên, còn tôi ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cái…

 

Hiện nay, trên toàn huyện có 12 khu, xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đó, 7 xóm có 100% là đồng bào Mông, còn lại là các khu người Mông sống xen kẽ với các dân tộc khác. Trong thời gian qua, quan niệm người dân tộc Mông chỉ lấy người Mông đã trở nên lạc hậu, mang tư tưởng cục bộ đã được thay đổi. Việc thanh niên nam, nữ đồng bào Mông kết hôn với người dân tộc khác đã trở nên phổ biến hơn. Trong số 1.400 hộ dân tộc Mông ở Võ Nhai hiện đã có gần 50 hộ là vợ hoặc chồng không phải là người cùng dân tộc Mông. Bên cạnh đó, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã giảm đáng kể. Trong 2 năm qua, trên địa bàn Võ Nhai chỉ xảy ra 4 trường hợp tảo hôn…

 

Ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Nhai cho biết: Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” các tuyến đường vào xóm có đông đồng bào Mông sinh sống đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông nên giao thông tại những xóm bản này đã thuận lợi hơn nhiều. Vì vậy, đồng bào dân tộc Mông đã có sự giao lưu văn hóa với những dân tộc khác ở vùng lân cận, nhận thức pháp luật của người dân ở đây đã được nâng lên. Cùng với đó là việc hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ là nền tảng để người đồng bào dân tộc Mông ở Võ Nhai phát triển và ổn định cuộc sống…