Cán bộ, đảng viên phải đi trước trong thực hiện nếp sống văn minh

07:50, 29/11/2016

Sáng 28-11, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (HTTDL) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (Quyết định 308). Gần 300 đại biểu, đại diện cho 63 tỉnh, thành, các đơn vị, địa phương trong cả nước đã về dự Hội nghị.

Tại các tỉnh, thành phố, công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định 308 được các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai trên cơ sở căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện theo phân cấp phù hợp với thực tiễn ở địa phương mình.

 

Quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308 của Chính phủ, nhiều địa phương đã nêu gương khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai Quyết định này như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ....

 

Địa phương chủ động thực hiện

 

Trong việc cưới, ở nhiều địa phương, mô hình cưới tập thể, cưới tiết kiệm được các UBND tổ chức thực hiện hiệu quả; tại các gia đình, việc tổ chức cưới phù hợp với điều kiện kinh tế, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá đã được nhân rộng; trang phục cô dâu, chú rể phù hợp với phong tục truyền thống; các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu không còn phô trương, hình thức, việc thách cưới đã dần được loại bỏ.

 

Theo ông Phạm Văn Luân (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, đến nay, nhiều địa phương về học hỏi kinh nghiệm tổ chức ở Yên Lạc, là do địa phương đã thực hiện Quyết định 308 bằng sự sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh thực tế địa phương. Theo đó, trước năm 1997, việc cưới ở Yên Lạc thường được nhân dân tổ chức 3 ngày, cả 3 ngày đều uống rượu, ăn cỗ linh đình. Đến nay, nhờ sự vận động hiệu quả của địa phương, đây là thị trấn đầu tiên trong cả nước thực hiện, cô dâu mặc áo dài truyền thống, UBND “xem ngày” cưới chứ không phải “thầy bói” xem ngày... Đặc biệt, trong việc tang, khi gia đình có người qua đời, Hội người cao tuổi, tổ dân phố phối hợp tổ chức, nghĩa trang ở thị trấn được quy hoạch, 100% các ngôi mộ được quy định, thiết kế giống nhau. Người qua đời được an táng lần lượt theo thứ tự, không có chuyện chọn vị trí, mua sẵn đất....Điều đặc biệt là nhân dân đã rất đồng tình hưởng ứng thực hiện.

 

Trong việc tang, tại các gia đình đều có Ban lễ tang do các tổ chức đoàn thể, cựu chiến binh… phối hợp với gia đình tổ chức. Vì thế, các địa phương, hầu hết không còn tổ chức ăn uống trong lễ tang, việc hung táng cũng được triển khai đúng quy định (không quá ba ngày), thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường… Điển hình như ở Thừa Thiên Huế, đại diện Sở VHTTDL tỉnh cho biết: “Trước đây, do đặc thù vùng dân tộc thiểu số, việc tang của nhiều đồng bào diễn ra cả tuần, thậm chí lên đến chục ngày. Từ khi tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 308, tăng cường tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số, đến nhân dân, hiện toàn tỉnh thống nhất thực hiện không có việc tang quá 3 ngày. Đặc biệt, trên địa bàn TP Huế, không có hiện tượng đám ma rải tiền, vàng mã trên đường”.

 

Về lễ hội, công tác quản lý và tổ chức đã bảo đảm thực hiện đúng quy định, đi vào nề nếp, cảnh quan, vệ sinh môi trường đường đảm bảo ngày càng sạch, đẹp hơn, an ninh trật tự từng bước được cải thiện, nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế, tồn tại như mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình…Nhiều lễ hội đã được chuyên nghiệp hóa, thành tiềm năng thế mạnh của kinh tế, xã hội địa phương, góp phần quảng bá văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội trái cây Nam Bộ…

 

Đảng viên, cán bộ cần làm gương thực hiện

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các địa phương cũng đã chia sẻ những bài học trong thực tiễn thực hiện Quyết định 308 và có những kiến nghị để việc thực hiện nếp sống văn minh sẽ được nhân rộng trên toàn quốc.

 

Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, đại diện Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Những hủ tục lạc hậu sẽ hạn chế rất nhiều đến việc phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng kinh tế xã hội khó khăn cũng lại dẫn đến hủ tục lạc hậu chậm bị đẩy lùi. Đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nếu muốn đẩy lùi những hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cần phải chăm lo phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho người dân”.

 

Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện nêu thực tế: “Việc thực hiện văn minh trong việc tang vẫn còn nhiều cái khó. Ở nhiều địa phương, vẫn còn hiện tượng mạnh ai nấy làm. Nhiều nhà có tâm lý xây mộ thật to để “báo hiếu” cho bố mẹ, ông bà”. Lấy dẫn chứng từng đến một địa phương, người lãnh đạo ở đây đã chọn một ngọn đồi và xây mộ cho bố mình ở trên đỉnh đồi, “ngôi mộ nhìn xa giống như ngôi đình” - Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện nhận xét. Vì vậy, ông cho rằng, phải nêu gương thực hiện từ những cán bộ, những người lãnh đạo.

 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: “Cán bộ, đảng viên phải đi trước, gương mẫu thực hiện Quyết định 308 của Chính phủ. Đề nghị, cần đưa nguyên nhân thiếu tính gương mẫu trong thực hiện Quyết định này của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu một số cơ quan vào trong những tồn tại của 10 năm thực hiện Quyết định 308”.

 

Nêu lên giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa Quyết định 308 trong thời gian tới, đại diện tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, cần tăng cường tính nêu gương từ các đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp.

 

Đồng quan điểm này, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Cần sự gương mẫu ở các đảng viên, lãnh đạo cấp cao của các cấp trong tổ chức cưới, tang, lễ hội. Phải có văn bản và quy định cụ thể để “xốc lại” vai trò gương mẫu của đảng viên, người có chức có quyền. Theo tôi, đã đến lúc phải có văn bản quy định xử phạt”.