25 năm, chặng đường tuy chưa dài, nhưng đó là một chặng đường với nhiều sự kiện, nhiều dấu ấn, ghi nhận quá trình xây dựng, phấn đấu và trưởng thành cùng những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Với những thành tích đã đạt được Trung tâm Y tế dự phòng đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu thi đua cấp sở, cấp tỉnh, cấp bộ... Đặc biệt có Trung tâm có 1 cán bộ được nhận danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" năm 2016. |
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh được thành lập theo Quyết định số 189/QĐ-UB ngày 7-11-1991 của UBND tỉnh Bắc Thái trên cơ sở thống nhất nhiệm vụ của Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét và Trạm Bướu cổ. Ngày đầu thành lập, Trung tâm có 7 khoa, phòng chuyên môn, với 102 cán bộ, công nhân viên chức. Nhiệm vụ của Trung tâm là xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, phòng và chống bệnh nghề nghiệp, bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Thái. Năm 1997, 16 cán bộ, viên chức công tác tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bắc Kạn, còn lại 86 cán bộ viên chức ở lại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thái Nguyên.
Trong những năm qua, Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Nguyên đã trải qua nhiều thay đổi về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhân sự, cho phù hợp với nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Hiện, Trung tâm có 10 khoa, phòng chuyên môn với tổng số 92 cán bộ công nhân viên chức, người lao động, trong đó 63,64% có trình độ đại học và sau đại học. Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: Phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng mở rộng; phòng chống sốt rét, bướu cổ; nước sạch và vệ sinh môi trường; y tế trường học; sức khỏe nghề nghiệp; phòng chống duy dinh dưỡng; phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt; phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống các bệnh không lây nhiễm đáp ứng sự thay đổi về mô hình bệnh tật trong giai đoạn mới; thực hiện khám, tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh, khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ....
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai có hiệu quả một khối lượng lớn công việc chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dự phòng luôn thường xuyên, chủ động ứng phó với mọi diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Chỉ tính riêng Chương trình Tiêm chủng mở rộng của tỉnh đã thường xuyên duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đạt trên 95%. Đây là một thành công góp phần làm thay đổi mô hình bệnh tật trên địa bàn, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em, giảm chi phí cho các hộ gia đình và giảm tải cho các bệnh viện. Đến nay, trẻ em cũng như người dân trong tỉnh đã có cơ hội được tiếp cận với không chỉ 10 loại vắc xin cơ bản của Chương trình mà còn được tiếp cận hơn 40 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Qua đó, toàn tỉnh đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván trẻ sơ sinh. Các bệnh khác như: sởi, lao, bạch hầu, ho gà ở trẻ em hầu như không còn xuất hiện; tỷ lệ trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu đạt trên 75%; Chương trình Phòng, chống suy dinh dưỡng đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 57,08% năm 1991 xuống còn 13% năm 2015, thể thấp còi giảm từ 32,5% năm 2010 xuống còn 17% năm 2015; Chương trình Phòng chống thiếu Vitamin A, giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em hàng năm đều đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được cải thiện đáng kể.
Toàn tỉnh cũng đã khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh trên địa bàn như: thương hàn (năm 1997), trực khuẩn (năm 1998), sốt xuất huyết (năm 1999), SARS (năm 2006), Cúm A (H5N1) năm 2007, cúm A (H1N1) năm 2009, tiêu chảy cấp nguy hiểm do tả (năm 2007 và 2008), Rubellar (năm 2006)... Riêng bệnh sốt rét đã được khống chế thành công trên quy mô toàn tỉnh. Đã nhiều năm, Thái Nguyên không có ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét nội địa, không có tử vong do sốt rét. Các chương trình khác như: Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt; Quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, Phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2011-2015, Phòng chống bệnh không lây nhiễm (THA, ĐTĐ, ung thư, COPD) được triển khai có hiệu quả. Các hoạt động y tế trường học đã được nâng lên rõ rệt, sức khỏe học sinh ngày càng được cải thiện; công tác khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh góp phần chủ động bảo vệ sức khỏe cho hàng nghìn người dân trong tỉnh.
Để phục vụ hoạt động chuyên môn Phòng xét nghiệm của Trung tâm được trang bị nhiều thiết bị hiện đại xét nghiệm về tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh (dịch SARS tả …), qua đó phát hiện được các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm trong nhiều vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh; quan trắc môi trường lao động, các xét nghiệm miễn dịch, sinh hóa... Phòng xét nghiệm sinh học phân tử được thành lập với hệ thống máy móc hiện đại, các phòng xét nghiệm vi khuẩn, virus đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp II. Năm 2010, Khoa Xét nghiệm của Trung tâm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO IEC 17025, qua đó khẳng định vị trí của Trung tâm trong hệ thống các labo chuyên xét nghiệm về nước và thực phẩm trên toàn quốc. Năm 2010, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế cấp Bằng công nhận Chuẩn quốc gia về Y tế dự phòng tuyến tỉnh/thành phố; năm 2011, Trung tâm được UBND tỉnh công nhận là đơn vị y tế hạng I. Tiếp đó, năm 2015, Trung tâm được Bộ Y tế cấp Bằng công nhận Chuẩn quốc gia về Y tế dự phòng tuyến tỉnh/thành phố lần 2.