Chuyện của một người có H

10:39, 02/11/2016

18 tuổi, anh theo bạn lên vùng vàng thuộc tỉnh Bắc Kạn tìm vận may. Nhưng chỉ sau ít tháng, anh bị “ả Phù Dung” kéo xuống chiếu, trở thành con nghiện. Anh cũng không biết mình bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ khi nào. Anh là Nguyễn Xuân Cường, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên).

Cuộc sống bờ bãi, tạm bợ đã làm hư hỏng tâm hồn của một thanh niên trong sáng. Anh còn nhớ những năm tháng sống tạm bợ ở bãi vàng, đêm nằm trong lán nghe gió rừng thổi hun hút, ngủ không thành giấc. Vì tò mò, anh bắt đầu tìm đến với ma túy bằng cách hút thử cho biết. Rồi từ thử đến thật là khoảng cách không xa. Hôm nào được nhiều vàng, anh cùng bạn nghiện nằm hút thâu đêm. Càng hút, càng lì, cả cây vàng cũng có thể thành khói thuốc phiện trong 1 đêm nhàn. Lúc không đào được vàng, mấy mươi nghìn đồng cho thuốc phiện cũng đủ gà gật.

 

Hằng ngày, anh dấu diếm, người thân để tìm đến với ma túy. Sau mỗi lần có đủ thuốc phiện để hút, anh lại thấy ân hận, muốn từ bỏ. Nhưng khi cơn đến, anh lại nằm xuống cạnh bàn đèn, ghé miệng vào dọc tẩu thuốc phiện và rít.

 

Để có tiền mua ma tuý, anh bắt đầu “xoay đồ” của người khác. Anh bị Công an bắt quả tang, xử phạt hành chính. Nhưng “ngựa quen đường cũ”, không xoay đồ thì không có tiền hút thuốc phiện. Mà không hút thuốc phiện thì khắp người đau đớn, chịu không nổi. Như một tỷ lệ nghịch, khi liều lượng ma tuý anh sử dụng càng tăng cao, thì sức khoẻ, nhân cách càng xuống thấp.

 

Anh nhận thấy trong cơ thể của mình có rất nhiều thứ bệnh. Anh cho biết: Tháng 7-1998, tôi thấy khó thở, ho rũ người, người nhà đưa đến Bệnh viện Lao Thái Nguyên chạy chữa. Tại đây, ngay sau làm xét nghiệm, tôi được bác sĩ hỏi thăm, động viên rất nhiều rồi mới bảo: Anh có dương tính với HIV.

 

Choáng váng, anh bất mãn với chính mình và càng lao sâu hơn vào con đường nghiện ngập. Năm 2001, Công an tỉnh buộc phải triệu tập anh đi Cơ sở Giáo dục Thanh Hà (Vĩnh Phúc). Đến năm 2003, từ trại giáo dưỡng trở về, với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh chăm chỉ kiếm sống bằng nghề nấu rượu, nuôi lợn. Chỉ hơn 1 năm sau đó, anh đã tự mua sắm được ti vi, xe máy và một số vật dụng thiết yếu trong gia đình. Thấy anh tiến bộ, bà con trong tổ dân phố mừng lây. Nhưng cuộc đời trớ trêu, khi đã “ngã” vào lòng ả phù dung, muốn đứng dậy để làm một người bình thường cũng thật khó. Và anh lần nữa tặc lưỡi “nằm xuống”, để trở thành người mà hàng xóm không ai muốn nhìn.

 

Anh tiếp tục giao du với bạn nghiện, bạn có HIV và luôn mang suy nghĩ “quay quả” đồ của người khác để lấy tiền tiêm chích ma túy. Anh kể: Đang lầm lũi bước trong bóng đêm của tội lỗi, chợt có “một bàn tay chìa ra”, dắt tôi trở về con đường sáng.

 

Anh còn nhớ như in: Hôm ấy (9-2004), “các bác” trên thành phố về vận động anh tham dự 1 lớp tập huấn dành cho những người có HIV. Tham gia lớp tập huấn 5 ngày, anh được trang bị những kiến thức về cách xây dựng một tổ chức dành cho nhưng người có HIV, như cách thành lập nhóm; vận động người có HIV tham gia sinh hoạt; cách tuyên truyền về các bệnh nhiễm trùng cơ hội... Ngay sau khi tham gia lớp tập huấn này, anh cùng 4 người bạn đồng cảnh lập nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”, đồng thời tích cực đi vận động những người có HIV cùng tham gia sinh hoạt. Kể từ đó, căn nhà cấp 4 anh ở trở thành nơi gặp gỡ của những người có HIV. Cùng thời gian, số người tham gia nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” ngày một tăng, có lúc lên đến hơn 300 người. Nhóm duy trì sinh hoạt đều đặn vào các tối thứ Bẩy hằng tuần.

 

Anh cho biết: Có một điểm khó là khi đến sinh hoạt, nhiều người còn mang theo ma tuý và nhờ bạn chích hộ. Chính vì thế mà trong giờ sinh hoạt, nhiều người gà gật do “phê thuốc”.

 

Là người phụ trách nhóm, anh nghĩ phải cai nghiện để làm gương cho bạn bè noi theo… Sau cai nghiện thành công, anh vận động các bạn trong nhóm từ bỏ ma tuý.

 

Vậy là hằng ngày, gác công việc đồng áng, anh cùng 7 thành viên trong nhóm đã cai được ma tuý đi giúp bạn cai nghiện. Anh cho biết thêm: Đến giúp nhau, nhưng phải nếm đủ mùi cay cực, từ lăng mạ, chửi bới đến dọa giết… Là người đồng cảnh, nên tôi không chấp nhỏ nhặt, hết sức giúp bạn vượt lên chính mình.

 

Anh xòe đôi bàn tay nham nhở sẹo, tôi nhìn thấy ở đó những niềm đau của thân phận một con người. Vậy nhưng anh lạc quan, biết yêu thương cuộc sống. Vì từ lâu rồi, anh xác định cuộc đời mình cùng chung sống với căn bệnh HIV.