Dự kiến từ năm 2017, các tổ chức quốc tế sẽ giảm nhanh kinh phí hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, việc hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết thực hiện các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS của quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu 90 x 90 x 90, đó là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục và 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, việc cắt giảm viện trợ của hai nhà tài trợ lớn là Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), việc đảm bảo tài chính cho hoạt động này đang là khó khăn lớn đối với Việt Nam. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đã có phương án huy động nguồn lực tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, trong đó bảo hiểm y tế được coi là nguồn lực chính.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 về việc phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Trong đó, Đề án đề cập đến 2 nhóm giải pháp chính đó là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực huy động được/nguồn lực sẵn có. Theo đó, việc huy động ngân sách nhà nước thông qua Dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc chương trình mục tiêu y tế và dân số nhưng đây lại là nguồn khó có khả năng tăng đột biến trong những năm tới. Hơn nữa kinh phí này cũng chỉ đủ để hỗ trợ cho các dịch vụ thiết yếu như thuốc Methadone, ARV cho các đối tượng cấp phát miễn phí theo luật. Còn có phương án khác là huy động ngân sách địa phương đặc biệt là các tỉnh thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, theo đó các vấn đề ưu tiên của tỉnh sẽ được tính đúng, tính đủ phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu chẩn đoán, dự phòng và điều trị liên quan đến HIV/AIDS.
Đến thời điểm hiện nay đã có 50 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS với nguồn kinh phí cam kết lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.Tổng kinh phí địa phương phân bổ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS năm trong năm 2015 của 63 tỉnh/thành phố là: 198 tỷ. Tổng kinh phí địa phương phân bổ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS năm trong năm 2016 của 63 tỉnh/thành phố là: 238 tỷ. Ngoài ra, ngành y tế tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế và hướng tới các nhà tài trợ mới như các khối kinh tế đa phương như ASEAN và các đối tác, APEC...; huy động đóng góp của các bộ, ngành, đơn vị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép vào hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, đơn vị. Cuối cùng là từ các nguồn xã hội hóa bao gồm bảo hiểm y tế, nguồn lực từ các doanh nghiệp, thu phí dịch vụ... Trong đó, bảo hiểm y tế sẽ là nguồn lực chính trong việc đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS đươc điều trị nói chung và điều trị bằng ARV nói riêng.
Bên cạnh huy động các nguồn lực, Việt Nam cũng phải tính toán kỹ lưỡng để đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế; phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có theo các các tiêu chí ưu tiên. Đặc biệt, cần xác định các chương trình, can thiệp, nhóm đối tượng ưu tiên can thiệp; trong đó chương trình dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc điều trị HIV/AIDS vẫn là can thiệp mang tính trụ cột. Tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép vào hệ thống y tế sẵn có, lồng ghép dịch vụ và phân cấp cung cấp dịch vụ xuống tuyến cơ sở; tổ chức hệ thống cung ứng thuốc và hàng hóa trong phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả như ARV, Methadone nhằm đảm bảo cung cấp thuốc với chi phí cạnh tranh nhất. Nếu Việt Nam không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại. Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì các hoạt động can thiệp dự phòng không được triển khai, không thể xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV không được điều trị... Như vậy, số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng, số bệnh nhân AIDS tử vong tăng nhanh, kháng thuốc ARV sẽ xảy ra. Dịch HIV/AIDS không còn chỉ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, gây tác động lớn đến sức khỏe, giống nòi, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, trên toàn quốc có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống đã được phát hiện, trong đó có 113.920 người đang được điều trị bằng thuốc ARV (tính đến tháng 9/2016), chiếm 57%. Điều trị sớm ARV sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Báo cáo của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015 cho thấy điều trị ARV sớm có thể giúp cho người nhiễm HIV có tuổi thọ gần như người bình thường. Theo đó, một người nhiễm HIV ở tuổi 20 nếu được điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị tốt thì có thể sống thêm 55 năm nữa. Điều trị ARV sớm có thể giúp giảm 93% nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng do số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp, thậm chí không phát hiện được HIV trong máu bằng xét nghiệm đo tải lượng vi rút. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị ARV thì có đến 97% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Bên cạnh đó, điều trị sớm ARV cũng đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Khi điều trị sớm ARV bệnh nhân có sức khỏe gần như bình thường, không bị nhiễm trùng cơ hội, người bệnh không mất tiền hoặc giảm chi phí nằm viện, thuốc men, đi lại. Người bệnh có thể vẫn đi làm việc, có thu nhập cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã kiến nghị các quốc gia cần mở rộng, điều trị ngay ARV cho tất cả những người nhiễm HIV. Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS.
Dồn tổng lực về đích là khuyến cáo của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Thực chất đây là lời kêu gọi cũng như định hướng cho các quốc gia dồn tổng lực, chọn con đường đi ngắn nhất, trong thời gian nhanh nhất để đạt được mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS. Để thực hiện khuyến cáo này, Liên hợp quốc cũng khuyến cáo các quốc gia một số giải pháp:
Thứ nhất cần xây dựng chương trình phòng, chống HIV/AIDS dựa trên bằng chứng; tập trung kinh phí đầu tư để tạo ra những tác động lớn nhất, can thiệp vào những người có nguy cơ cao nhất đang sống tại những địa bàn trọng điểm dịch. Các quốc gia cần đảm bảo nguồn kinh phí đủ để bảo vệ sức khỏe cho những người nhiễm HIV được điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Thứ hai là cần đổi mới và sáng tạo trong cung cấp dịch vụ. Điều này bao gồm việc mở rộng và phân cấp dịch vụ xuống tuyến dưới, gần dân hơn kể cả việc triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng và xét nghiệm do những người không chuyên thực hiện. Các quốc gia cần tăng cường vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS cũng như duy trì mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng.
Thứ ba là tăng cường vai trò lãnh đạo và sự chủ động của các cấp trong ứng phó với HIV/AIDS. Điều này là rất quan trọng vì phòng, chống HIV/AIDS sẽ không thành công nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của lãnh đạo tất cả các cấp cũng như mỗi người dân và đó cũng là sự tập trung dồn tổng lực cho phòng, chống HIV/AIDS.