Đi qua nỗi đau để viết tiếp cuộc đời

10:11, 09/11/2016

Trái với suy nghĩ ban đầu về người nhiễm HIV, những phụ nữ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều rất tự tin, cởi mở và lạc quan vượt qua nỗi đau viết tiếp cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, ở tổ dân phố Bông Hồng, phường Bãi Bông (T.X Phổ Yên) không ngần ngại khi chia sẻ: Tôi bị nhiễm HIV năm 2005 từ chồng, con trai là LMH khi sinh ra cũng bị lây nhiễm. Cháu đang học lớp 6, Trường THCS Hồng Tiến. Tôi hiện có công việc ổn định tại Nhà máy Cơ khí Phổ Yên, cuộc sống của hai mẹ con bây giờ đã ổn định.

 

Để có cuộc sống như ngày hôm nay là cả một quá trình chị Nga phải vượt qua cơ cực và dị nghị của những người xung quanh. Chị kể: Tôi lập gia đình từ năm 2003 khi tròn 20 tuổi. Năm 2005 thì cháu Hải ra đời, hạnh phúc giản đơn với gia đình nhỏ tưởng như bền chặt đã đổ vỡ hoàn toàn khi chỉ một tháng khi sinh cháu chồng tôi phát hiện bị nhiễm HIV. Tôi và con trai cũng bị lây khi nào không biết. Anh ấy suy sụp hoàn toàn và mất ngay sau đó vài tháng. Chồng mất, để lại cho hai mẹ con nỗi cô đơn, cơ cực và sự xa lánh dị nghị của nhiều người. Chị Nga thừa nhận, từng có thời điểm tuyệt vọng và muốn kết thúc cuộc đời, nhưng vì thương con nên lại cố gắng gượng. Một mình nuôi con đã vất vả, đến khi cháu đi học thì xin nhiều trường nhưng không nơi nào nhận. Công việc của chị ở nhà máy cũng bị chuyển từ bộ phận nấu ăn sang làm tạp vụ khiến thu nhập giảm đi nhiều. Nhưng rồi cuộc sống không quay lưng với người phụ nữ này, chị được nhân viên y tế phường mời tham gia Câu lạc bộ Hoa Huệ, nơi sinh hoạt của những người phụ nữ cùng hoàn cảnh. Cách đối xử của cộng đồng với người nhiễm HIV cũng dần thay đổi. Giờ chị Nga đi làm, cháu Hải đi học không hề bị bất cứ sự phân biệt kỳ thị nào.

 

Chị Phạm Thị Thơm, ở xóm Hắng, xã Hồng Tiến cũng từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng như vậy. Lập gia đình từ năm 1996, năm 2011 chị phát hiện mình nhiễm HIV từ chồng. Chị Thơm kể: Khi chồng mất, mọi người trong xóm đều không dám đến vì sợ, họ hàng chỉ còn đúng 3 người ở lại lo liệu đám tang. Bản thân tôi đã hai lần tự tử mà không chết được. Sau một thời gian hoang mang, tôi đã gắng gượng sống vì trách nhiệm với con gái và bố mẹ. Năm 2004, chị Thơm bắt đầu tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” của tỉnh. Được tập huấn kiến thức về bệnh, chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh, chị dần lấy lại tinh thần và sống tích cực hơn.

 

Từ kiến thức được học, chị Thơm đã tích cực tuyên truyền, tự mình đạp xe đến từng trường hợp có cùng hoàn cảnh trong huyện khi đó để vận động tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” do chị làm chủ nhiệm chính thức ra đời tháng 11-2014. Từ 4 nòng cốt ban đầu, đến nay Câu lạc bộ đã phát triển thành 159 thành viên gồm những người nhiễm HIV bị ảnh hưởng trực tiếp từ HIV. Đây chính là nơi chia sẻ, trao đổi kiến thức và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của những người cùng hoàn cảnh. Chị Thơm khoe, chính nhờ Câu lạc bộ mà tôi gặp Nguyễn Văn Vi rồi nên duyên chồng vợ năm 2009. Giờ anh ngày ngày đi xây, chị sau giờ làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Phổ Yên về nhà còn tăng gia sản xuất. Cuộc sống của hai vợ chồng luôn tràn ngập tiếng cười.

 

“Cuộc đời không triệt hết đường sống của ai bao giờ” - Tạ Thị Hợi, ở phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) đã nói với chúng tôi như vậy. Trong Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” chị đang sinh hoạt có tới 8 cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh nên duyên. Trong đó, 4 cặp đã sinh con mà hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhờ điều trị phơi nhiễm đúng cách. Bản thân chị Hợi cũng quen và lập gia đình với anh Nguyễn Văn Nam, đứa con 9 tháng tuổi hoàn toàn khoẻ mạnh là món quà quý giá nhất của hai vợ chồng. Còn chị Phạm Thị Thơm thì khoe: Tôi phát hiện nhiễm HIV đã 15 năm nay nhưng mỗi lần kiểm tra sức khoẻ thì các chỉ số cho vẫn luôn ở giới hạn cho phép. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy rằng, người bị nhiễm HIV hoàn toàn có thể khoẻ mạnh bình thường nếu được điều trị đúng cách, có lối sống lành mạnh và lao động sản xuất tích cực…