Trong nhiều năm qua, nước ta luôn quan tâm và thực hiện bình đẳng giới, đưa vấn đề bình đẳng giới vào mọi mặt của đời sống xã hội, coi thực hiện bình đẳng giới là nền tảng quan trọng trong sự nghiệp phát triển con người.
Liên hợp quốc mới đây cũng đã đánh giá: Việt Nam là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là bình đẳng giới, là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua.
Ở Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới. Năm Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu: Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trong giai đoạn 2011- 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương đã xây dựng chương trình hành động bình đẳng giới hướng đến 7 mục tiêu của chiến lược quốc gia. Trong đó, mục tiêu quan trọng số một là tăng cường sự tham gia của nữ cán bộ viên chức lao động vào các vị trí lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách nữ giới trong lĩnh vực chính trị; giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm; nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghiệp vụ tin học, ngoại ngữ và kỹ năng nghề nghiệp cho giới nữ...
Để chương trình bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao, thiết nghĩ, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu có lồng ghép công tác bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới để hoạt động này được tổ chức thường xuyên, thực sự phát huy hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị.