Niêm phong nhà văn hoá rồi… đi họp nhờ

10:28, 18/11/2016

Trong khi các buổi họp của chi bộ, tổ dân phố, các đoàn thể của tổ 23 và 25, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), phải họp nhờ địa điểm thì Nhà văn hóa liên tổ được xây dựng mới từ năm 2011 lại bị bỏ không, điều này khiến người dân các tổ rất bức xúc.

Ông Tô Xuân Môn, Bí thư Chi bộ tổ 25 cho tôi xem giấy tờ ghi thời điểm niêm phong Nhà văn hóa (NVH) liên tổ từ tháng 3-2012, trước khi dùng búa đinh chật vật tháo dỡ những thanh gỗ “niêm phong” để vào NVH. Bên trong nhà, bụi dầy phủ khắp nơi, vài bộ bàn ghế chỏng chơ, hệ thống điện, nước chưa đảm bảo. Theo ông Môn thì từ khi xây dựng xong NVH (tháng 2-2011), tổ 25 chưa hề tổ chức hoạt động nào tại đây, tổ 23 chỉ sử dụng vài lần rồi 2 tổ thống nhất niêm phong lại và đem trả chìa khóa cho UBND phường, nhưng họ… không nhận.

 

“Lai lịch” NVH liên tổ qua lời kể của ông Tô Xuân Môn, bà Hà Hồng Tuyết (Tổ trưởng tổ 25), ông Đoàn Đình Cương (nguyên Tổ trưởng tổ 23) và một số người có liên quan trong giai đoạn đó, được khái quát như sau: NVH cũ rộng khoảng 130m2 trên tổng khuôn viên 526m2, là nơi sinh hoạt chung của 4 tổ dân phố (12, 23, 24, 25) vốn là trụ sở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đội Cấn. Công trình này sau đó thuộc quy hoạch Dự án đường Bắc Sơn nên phải di chuyển đi nơi khác. Tài sản NVH được cơ quan chức năng thống kê, định giá 180 triệu đồng. Số tiền này được chủ đầu tư Dự án đường Bắc Sơn là Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên dùng để xây NVH mới cho các tổ 23, 25 (thời điểm năm 2011, tổ 12 và 24 đã có NVH riêng).

 

Nhiều cán bộ và người dân 2 tổ khẳng định toàn bộ quá trình lựa chọn địa điểm, thiết kế và thi công NVH, họ không biết, không được tham gia ý kiến và giám sát. Ông Đoàn Đình Cương cho biết: Chỉ đến khi lãnh đạo phường gọi ra tiếp nhận công trình, tôi mới biết đây là NVH liên tổ. Họ bảo ký biên bản bàn giao, chúng tôi không đồng ý và cũng chưa nhìn thấy biên bản đó. Tôi không biết công trình có giá trị xây dựng bao nhiêu, bản thiết kế ra sao và tổ chức nào làm chủ đầu tư.

 

Ngoài việc cho rằng chính quyền và nhà đầu tư đã thiếu công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng thì diện tích NVH quá hẹp, thiết kế không phù hợp cũng khiến người dân bất bình. Ông Tô Xuân Môn cho biết: NVH chỉ rộng khoảng 90m2 (bao gồm cả một số hạng mục phụ trợ bên trong) nên sức chứa tối đa không quá 50 chỗ ngồi, trong khi mỗi tổ dân phố thời điểm đó đều đã có trên 120 hộ dân; bục sân khấu chỉ rộng khoảng 10m2, khuôn viên cũng rất chật hẹp (tổng diện tích 180m2) so với quy mô dân số của các tổ. Công trình chỉ có 1 cửa chính, 2 cửa sổ phía trước nên rất bí bách, sau khi chúng tôi đề nghị, đơn vị thi công mới cho mở thêm 2 cửa sổ phía sau.

 

Vì không thể tổ chức tại NVH chật hẹp và cũng do đã niêm phong nên gần 6 năm qua, các cuộc họp dân, họp chi bộ, sinh hoạt đoàn thể của tổ 23 và 25 đều phải nhờ trụ sở những cơ quan lân cận và nhà dân. Bà Hà Hồng Tuyết nói: Việc nhờ địa điểm rất bất tiện vì chúng tôi phải đặt lịch trước nhiều ngày, thuyết phục họ tạo điều kiện để tổ chức hội họp (thường là vào cuối tuần). Khi có việc cần họp dân đột xuất để triển khai, chúng tôi rất khó xoay xở.

 

Tình trạng này khiến người dân tổ 23 và 25 bức xúc, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tại phường Hoàng Văn Thụ, người dân đã đề nghị chính quyền sớm giải quyết dứt điểm. Sau khi tổ chức họp dân để lấy ý kiến, đại diện 2 tổ đã một số lần kiến nghị bằng văn bản đến các cấp chính quyền, đề nghị cho cải tạo NVH bằng nguồn vốn xã hội hóa. Cụ thể là mở rộng diện tích xây dựng thêm 60m2, phá dỡ một số hạng mục không cần thiết trong nhà, xây thêm tầng 2 đua rộng ra nhằm đảm bảo chỗ hội họp; hoặc bố trí quỹ đất phù hợp để các tổ tự xây dựng NVH. (Được biết, trong quy hoạch Dự án đường Bắc Sơn do UBND tỉnh phê duyệt có quỹ đất dành cho xây dựng công trình văn hóa).

 

Về vấn đề này ông Trần Nam Thái, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Việc giải quyết NVH liên tổ 23, 25 đang là một khó khăn đối với địa phương vì thiếu quỹ đất và phương án xử lý công trình đã xây dựng. Mới đây, chúng tôi đã mời đại diện 2 tổ đến làm việc nhưng chưa thống nhất được giải pháp cuối cùng… Ông Trần Nam Thái nói mình mới đảm nhiệm cương vị này và không khẳng định UBND phường Hoàng Văn Thụ có phải là chủ đầu tư NVH liên tổ 23, 25 hay không, vì hiện cán bộ phường chưa tìm thấy hồ sơ liên quan đến công trình.

 

Đại diện đơn vị đã bỏ kinh phí xây dựng NVH liên tổ 23, 25, ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên (nguyên là Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ) khẳng định: “UBND phường Hoàng Văn Thụ là chủ đầu tư công trình này”. Cũng theo ông Lợi, ngoài số tiền bồi thường tài sản NVH cũ, Công ty đã hỗ trợ thêm 180 triệu đồng để xây dựng hoàn thành công trình. Do đòi hỏi cấp thiết của việc giải phóng mặt bằng Dự án nên phải làm nhanh. Công ty có đầy đủ hồ sơ công trình… Khi phóng viên đề nghị được xem hồ sơ xây dựng, quyết toán NVH, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên nói cần thời gian để nhân viên tìm, nhưng sau gần 1 tuần vẫn chưa có hồi âm…

 

Có thể nói, chủ đầu tư Dự án đường Bắc Sơn đã thể hiện trách nhiệm xây trả NVH cho các tổ. Nhưng nếu đơn vị này và chính quyền địa phương công khai, dân chủ hơn trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến người dân trước khi làm và đại diện người dân được giám sát thì sẽ không xảy ra tình trạng đáng tiếc như hiện nay. Một bên đã giao, một bên không nhận, NVH liên tổ 23, 25 hiện không có tổ chức, cá nhân nào quản ly, sử dụng. 180m2 “đất vàng” giữa lòng T.P Thái Nguyên và công trình NVH có tổng giá trị không nhỏ bỏ không gần 6 năm qua là sự lãng phí lớn, trong khi các cuộc họp tổ dân phố vẫn phải nhờ địa điểm. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm, làm rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình xây dựng công trình.