Phát huy vị thế, khơi dậy sức sáng tạo của phụ nữ

08:15, 08/11/2016

Nhân Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2016-2021), phóng viên Báo Thái Nguyên đã ghi nhận những ý kiến gửi gắm tâm tư, tình cảm cũng như sự kỳ vọng của hội viên phụ nữ trong tỉnh gửi tới Đại hội.

Nâng cao trách nhiệm của Ban Nữ công cơ sở

 

Chị Mạc Thị Thanh Chung, công nhân Chi nhánh May Việt Thái (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG): Hiện nay, phong trào phụ nữ mà chúng tôi tham gia ở Chi nhánh chủ yếu liên quan đến công việc lao động sản xuất như: phong trào thi đua sản xuất hoàn thành kế hoạch, phong trào nữ công nhân tay nghề giỏi. Các phong trào phụ nữ khác ở cơ sở còn yếu và thiếu.

 

Chính vì vậy, trong kỳ Đại hội này, tôi mong muốn Ban Chấp hành Hội LHPN nhiệm kỳ mới sẽ có những việc làm thiết thực như tổ chức nhiều chương trình, hoạt động dành cho nữ công nhân đang làm việc tại các công ty, nhà máy, khu công nghiệp. Các chương trình cần gần gũi, sát với đời sống nữ công nhân, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân; giúp đời sống tinh thần của nữ công nhân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, tôi mong rằng các nữ đại biểu sẽ có ý kiến mạnh hơn với vấn đề nâng cao trách nhiệm của Ban Nữ công cơ sở trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động cũng như trong quan hệ xã hội.

 

Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn

 

 Chị Hoàng Thị Thiềm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Trung 3, xã Điềm Thụy (Phú Bình): Hiện nay, hầu hết đất nông nghiệp ở xã chúng tôi đã bị chuyển đổi mục đích thành đất trong các khu công nghiệp, chế xuất. Phần diện tích đất còn lại cũng gặp khó khăn trong canh tác bởi thiếu nước, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, hầu hết phụ nữ ở xã đều đã đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ trên 40 tuổi lại khó có thể tìm được việc làm do đã quá tuổi để vào làm việc trong các nhà máy.

 

Vì vậy, tôi kỳ vọng, tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần này, bên cạnh những vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo, đề ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ ở nông thôn không còn đất sản xuất. Đó có thể là các giải pháp phát triển chăn nuôi, dạy nghề, phát triển nghề phụ… để đảm bảo sinh kể hàng ngày cho chị em, từ đó, chị em có điều kiện tham gia vào phát triển phong trào phụ nữ tại địa phương.

 

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội là người dân tộc thiểu số

 

Chị Đặng Thị Phin, Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Giao (Võ Nhai): Hơn 16 năm làm công tác hội phụ nữ ở vùng cao, tôi nhận thấy phụ nữ tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và hỗ trợ thai sản. Chính vì vậy, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn phổ biến; tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp. Do đó, tôi mong muốn Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII sẽ tập trung thảo luận, đề ra biện pháp và có sự hỗ trợ cụ thể với phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 

Thêm vào đó, tôi mong muốn Đại hội sẽ có kế hoạch nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng tuyên truyền cho một nhóm nòng cốt chị em là người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ am hiểu phong tục tập quán, gần gũi với đồng bào vùng cao. Từ đó nâng cao hiệu quả của phong trào phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số.

 

Quan tâm đến phụ nữ theo đạo

 

Chị Ngô Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên): Tôi mong muốn các đại biểu sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống. Đối với phụ nữ theo đạo Công giáo, theo tôi, Hội cần tập trung vào tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của, Nhà nước, đặc biệt là Pháp lệnh Dân số; tích cực phát triển kinh tế gia đình, tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương như phong trào thi đua “Kính chúa, yêu nước”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo”, phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”… Bên cạnh đó, chị em phụ nữ Công giáo cũng cần được tạo điều kiện để tham gia nhiều hơn vào cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức xã hội khác.

 

Là xã tương đối xa trung tâm T.P Thái Nguyên với 35% phụ nữ theo đạo Thiên Chúa giáo, phụ nữ xã Phúc Trìu rất cần được tạo điều kiện để được giao lưu, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác; học hỏi nâng cao trình độ; hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

 

Đổi mới phương pháp, cách thức sinh hoạt

 

Đại úy Nguyễn Thị Thúy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an tỉnh: Là đại biểu đại diện cho phụ nữ ngành Công an trong tỉnh, tôi mong muốn Đại hội lần này quan tâm thảo luận, bàn bạc và định hướng sâu hơn, cụ thể hơn về nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho phụ nữ. Từ việc được đảm bảo về nhận thức kiến thức pháp luật, sẽ thay đổi hành vi ứng xử của phụ nữ trong xã hội và giúp phụ nữ tự bảo vệ bản thân tốt hơn nhằm xây dựng mái ấm gia đình bền vững, hạnh phúc.

 

Tôi cũng mong muốn Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ tới sẽ tích cực đổi mới phương pháp, cách thức sinh hoạt hướng tới phụ nữ trong toàn tỉnh nói chung và phụ nữ ngành Công an nói riêng. Đặc biệt, với đặc thù của ngành là lực lượng vũ trang, chị em phụ nữ trong ngành Công an rất cần được trang bị những kỹ năng mềm như: sinh hoạt văn nghệ, nấu ăn, tâm lý… và tham gia các hoạt động ngoại khóa, để từ đó hoàn thiện hơn nữa vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.