Phòng, chống tham nhũng: Đã như mong muốn?

16:40, 28/11/2016

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2016 trên địa bàn gần như không phát hiện mới các trường hợp tham nhũng. Nhiều người cho rằng, đây là tín hiệu vui vì có lẽ tham nhũng đã dần bị đẩy lùi, nhưng cũng không ít người lo ngại bởi phải chăng khả năng phát hiện, tố giác tội phạm tham nhũng còn hạn chế.

Năm 2016, qua các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua điều tra của các cơ quan chức năng đều không phát hiện trường hợp tham nhũng. Cũng đã có một số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm như: Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của một số cán bộ thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế - Chi nhánh Thái Nguyên; vụ tham ô tài sản của cán bộ Trường THCS Cổ Lũng, huyện Phú Lương; vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng..., nhưng những vụ việc này đều được phát hiện từ những năm trước.

 

Về khách quan mà nói thì trong năm nay các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức quy định về công khai, minh bạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triển khai rộng rãi những yêu cầu về việc cán bộ, công chức, viên chức không nhận quà và nộp lại quà tặng không đúng quy định; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại những vị trí nhạy cảm; tiến hành kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản, đổi mới công nghệ quản lý thanh toán… Mặc dù vậy, kết quả thu được chưa như mong muốn. Cụ thể như việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không phát hiện trường hợp sai phạm, hoặc kê không đúng, không đủ. Toàn tỉnh có gần 9.000 người trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng kết quả không một trường hợp nào phải xác minh, giải trình bản kê khai do kê thiếu hoặc kê không rõ ràng. Hơn nữa, việc truy nguyên nguồn gốc xuất xứ tài sản, thu nhập đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường cũng gần như chưa được thực hiện. Dư luận cũng cho rằng, việc công khai bản kê khai thu nhập, tài sản của cá nhận qua hình thức niêm yết và qua hình thức công bố tại các cuộc họp theo quy định còn rất ít, nhiều nơi không triển khai thực hiện. Gần như các trường hợp kê khai xong đều cất vào hồ sơ mà ít khi mang ra công khai cho mọi người được biết. Bởi vậy, trong Báo cáo kết quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của tỉnh cũng chỉ rõ: Công tác minh bạch tài sản, thu nhập của một số đơn vị trong tỉnh còn mang tính hình thức. Kế hoạch kê khai không chỉ rõ trình tự kê khai, thời gian giao nhận kê khai và công khai bản kê khai; kê khai không đúng, đủ nội dung theo mẫu.

 

Tương tự, việc không phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhận quà tặng và nộp lại quà tặng theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến dư luận băn khoăn. Thoạt nghe thấy đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng ngẫm lại thấy chưa thật sự thuyết phục. Việc cho, tặng, biếu quà khi cần cầu cạnh hoặc để vụ lợi cho tổ chức, cá nhân hiện đang rất phổ biến trong cả nước, nên mặc dù chưa phát hiện và công khai trường hợp nào, song dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi kết quả này. Theo các chuyên gia thì đây là chỉ số khá trừu tượng và khó có con số thực vì thiếu chế tài giám sát và lực lượng giám sát.

 

Mặc dù không phát hiện trường hợp tham nhũng mới nào trong năm thông qua điều tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, song qua một số vụ việc truy tố xét xử, UBND tỉnh đánh giá, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn xảy ra trên trên địa bàn. Các đối tượng phạm tội chủ yếu là lợi dụng kẽ hở pháp luật trong quản lý kinh tế, thiếu kiểm tra giám sát của đơn vị chủ quản. Việc khó phát hiện, đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng một phần là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa tạo được dư luận mạnh mẽ trong xã hội để phê phán, lên án, tố cáo những hành vi tham nhũng. Chế tài bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng còn mơ hồ, chưa đủ tin cậy, an toàn, không khuyến khích được mọi người tham gia tố giác. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức còn yếu, chưa dám đấu tranh, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Mặt khác, thể chế quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở dễ bị lợi dụng. Vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai, minh bạch những vấn đề liên quan đến tài chính, cán bộ dẫn đến tham nhũng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hách dịch trong thi hành công vụ nhằm nhận đút lót vẫn còn diễn ra ở một số nơi…

 

Qua đó cho thấy, tình hình tham nhũng vẫn có thể xảy ra ở nhiều nơi và có chiều hướng gia tăng do hiểu biết của người dân còn hạn chế, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Bởi thế, nhiều khi biết đang tiếp tay cho tham nhũng mà vẫn chấp nhận vì muốn công việc của mình được giải quyết thuận lợi. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng luôn phải được tăng cường, chú trọng, trong đó, vai trò thông tin tố giác của người dân phải được phát huy tối đa.