Sau tận cùng nỗi đau là khát vọng sống

11:57, 05/11/2016

Dương tính với HIV. Cuộc đời chị từ đó bị đảo lộn. Chị sống trong hoang mang, chán nản và nhiều lần tìm đến cái chết. Nhưng có lẽ trời thương, để chị sống, nuôi con và chăm sóc mẹ già.

Đó là câu chuyện buồn của chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên). Chị kể: 5 lần, bẩy lượt tôi tự vẫn nhưng không chết. Lần đầu là thắt cổ bị đứt thừng; lần 2 vừa chui đầu vào thòng lọng thì mẹ già phát hiện; lần ba uống thuốc ngủ, được cấp cứu kịp thời… Chị vén tay áo cho tôi xem vết sẹo ở cổ tay, bảo: Đây là lần thứ 7 tôi cắt động mạch nhưng trời chưa cho chết.

 

Chị nói chuyện như chưa hề có mầm đau HIV gieo vào cuộc đời mình. Cũng như hàng trăm người phu nữ khi cầm trong tay kết quả dương tính với HIV tôi gặp, đều mang một tâm trạng chán nản, buồn bực và có ý nghĩ tiêu cực, muốn quyên sinh như chị.

 

Nhưng sống vẫn tốt hơn là chết. Chị Trần Thị Hoài, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) kể: Năm 2002, vào bệnh viện sinh nở. Tại đây, các bác sĩ “thông báo” em bị HIV. Hôm đó, chồng em đã khóc như đứa trẻ, bảo: Thấy mấy thằng bạn thân hay chích ma túy với nhau bị chết, anh biết mình đã lây căn bệnh này từ lâu, nhưng không dám nói vì sợ em buồn. Tôi choáng váng, đêm ấy định uống luôn mấy vỉ thuốc ngủ, nhưng đứa con đỏ hỏn, khóc oe oe, tôi thấy mình không thể chết. Vì cháu nhỏ có tội tình gì đâu.

 

HIV - căn bệnh thế kỷ, một căn bệnh chỉ lây qua đường tình thân, như chồng, vợ lây sang nhau; bạn bè thân hữu chung chích bơm kim tiêm; mẹ truyền sang con. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Bệnh nhân HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 7-1996, tạihuyện Phú Lương, đó là 1 nam giới, do đi làm vàng, có tiêm chích ma túy. Căn bệnh như vết dầu loang, lặng lẽ lây lan dần ra diện rộng. Đến hết năm 2000, lũy tích số người được xét nghiệm phát hiện có HIV là 342 trường hợp, trong đó, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 114 trường hợp; 23 trường hợp đã từ vong. Con đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu (tiêm chích ma túy).

 

Để hạn chế lây lan căn bệnh HIV trong cộng đồng, vào những năm đầu của thập niên 2000, các cơ quan chức năng ở tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, và các nhóm “Giáo dục đồng đẳng”; “Bạn giúp bạn” và nhiều câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”, “Hoa Hướng dương” được thành lập… Cùng với đó là các hoạt động thông tin, tuyền truyền vận động mọi người dân phòng, tránh căn bệnh HIV/AIDS. Cả xã hội cùng vào cuộc. Tại hầu hết những điểm công cộng có đông người tập trung được cơ quan chức năng treo, dán tấm pa nô, áp phích tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo: HIV là căn bệnh thể kỷ nhân loại chưa tìm được thuốc chữa.

 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Tính đến hết năm 2015, Thái Nguyên có lũy tích số người nhiễm HIV là 9.369 trường hợp; lũy tích số chuyển AIDS là 6.315 trường hợp, và lũy tích tử vong là 3.324 trường hợp. Đường lây chủ yếu qua đường máu chiếm 63,38%, đường tình dục chiếm 16,94%; mẹ sang con chiếm 1,74%, lây khác chiếm 17,76%. Trong 7 tháng của năm 2016, Thái Nguyên tiếp tục phát hiện mới 52 trường hợp nhiệm HIV; chuyển AIDS là 116 trường hợp và có 21 trường hợp tử vong, nâng số lũy tích về HIV trên toàn tỉnh lên 9.421 trường hợp; AIDS lên 6.431 trường hợp và 3.345 trường hợp đã chết vì căn bệnh HIV/AIDS.

 

Một ngày cuối tháng Mười, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hoàng Thị Minh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Chị cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chị cho biết: Tôi phát hiện nhiễm HIV từ hơn 10 năm nay. Khi đó, tôi mong mình được chết vì bất cứ lý do gì. Tôi giận chồng, giận mình nhưng thương 2 con nhỏ. Cũng may, cả 2 con tôi đều âm tính với HIV.

 

Chị dừng lời, lấy thuốc ARV uống. ARV gắn bó với cuộc đời chị từ sau khi phát hiện mình có HIV. Do uống thuốc đúng chỉ định, đúng giờ, nên chị khỏe mạnh như bao người bình thường khác. Còn chị Phan Thị Tâm, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi có 2 con, cháu gái lớn sinh năm 2002 âm tính với HIV, còn cháu trai sinh năm 2003 dương tính với HIV. Hơn 10 năm nay, 2 mẹ con tôi đều đặn uống thuốc ARV. Tôi luôn động viên con trai mình lạc quan, chịu khó học tập để sau này trở thành bác sĩ giỏi.

 

Chị cúi mặt, mắt ngấn nước nhưng không dám khóc. Vì từ lâu rồi, trong căn nhà này, chị là trụ cột, là điểm tựa cho 2 đứa con cả về vật chất và tinh thần. Cảm thông, tôi cũng chỉ biết động viên chị gượng đứng dậy trên đôi chân của mình, để được sống như bao con người không may mắn khi mắc phải căn bệnh HIV.
 

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).