Trong bối cảnh nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế, hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử vẫn tồn tại; cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương, các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Sau hơn 3 năm triển khai, các chỉ tiêu đạt được đã cải thiện so với giai đoạn trước: 70% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; 72% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc điều trị trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan được cung cấp kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; 84% trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu...
Mặc dù đã có 63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của địa phương nhưng mới có 35 tỉnh, thành phố bố trí kinh phí thực hiện với số lượng hạn chế; 27 tỉnh, thành phố chưa quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động này mà chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở chưa đủ số lượng và hạn chế về năng lực nên việc theo dõi, tư vấn, đánh giá nhu cầu kết nối dịch vụ cho trẻ còn khó khăn. Các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chủ yếu mới quan tâm tới đối tượng trẻ em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, việc tiếp cận với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn do bản thân trẻ và gia đình không muốn tiếp cận, sợ bị kỳ thị, sợ không được bảo mật thông tin. Đối với vấn đề điều trị cho trẻ nhiễm HIV, tại một số địa phương thiếu các phòng điều trị, tư vấn tuyến huyện nên việc tiếp cận dịch vụ khó khăn. Một số gia đình do sợ kỳ thị đã đưa trẻ đi điều trị tại các nơi xa nhà, dẫn đến chi phí của gia đình phải bỏ ra nhiều hơn, việc điều trị không thường xuyên hoặc trẻ bỏ điều trị. Nhiều gia đình sợ bị kỳ thị nên cho trẻ đi học xa nơi sinh sống cũng dẫn đến trẻ khó khăn khi tiếp cận với giáo dục...
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong giai đoạn tiếp theo (2017-2020), cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tập trung vào việc phối hợp theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ; kiện toàn mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em; kết nối, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng.