Vợ chồng chị Phạm Thị Thúy Liên và anh Hoàng Văn Thảo Ở xóm Làng Mạ, xã Động Đạt (Phú Lương) không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn có tiếng làm kinh tế giỏi. Từ diện tích đất đồi, đất ruộng canh tác không hiệu quả, vợ chồng chị đã san phẳng để đầu tư ươm hơn 1ha chè giống, mỗi năm cho thu gần 1 tỷ đồng chưa trừ chi phí.
Ngôi nhà rộng rãi, khang trang cùng với hơn 1ha vườn ươm chè giống bao quanh nhà khiến cho ai đến đây cũng phải nể phục. Vợ chồng chị Liên cùng sinh năm 1980. Hiện nay, chị Liên đang là giáo viên dạy Toán của Trường THCS Dương Tự Minh (thị trấn Đu), còn anh Thảo là giáo viên dạy Thể dục của Trường THCS Hợp Thành.
Khi được hỏi về lý do khiến anh chị đầu tư làm vườn ươm cây chè giống mà không phải là cây trồng khác, chị Liên cho biết: Năm 2006, sau khi kết hôn, vì còn là giáo viên hợp đồng, đồng lương thấp nên cuộc sống 2 vợ chồng rất khó khăn. 2 vợ chồng tôi đã tính toán cần phải đầu tư làm gì đó để kiếm thêm thu nhập. Nhận thấy, lúc đó là thời điểm người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhiều chè giâm cành nên gia đình mạnh dạn làm vườn ươm giống chè cành. Thời gian đầu, tôi nghĩ chỉ làm ít kiếm thêm thu nhập nhưng càng làm càng đam mê, cây giống ươm đến đâu bán hết đến đó nên mới mở rộng quy mô.
Từ diện tích hơn 1.000m2 đất ruộng, đất đồi bố mẹ cho, vợ chồng chị Liên đã “bạt đồi, lấp ruộng” làm vườn ươm cây giống. Lúc đầu gia đình chị làm 1 vườn với hơn 20 vạn hom, sau đó tiếp tục mở rộng lên 2 vườn ươm với trên 70 vạn hom chè giống mỗi năm. Đặc biệt, năm 2013, anh chị đã mua thêm đất đồi để mở rộng vườn ươm với quy mô hơn 1ha. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình chị đã duy trì 4 vườn ươm với trên 400 vạn hom chè giống, chủ yếu là giống chè LDP1, TRI 777, Kim Tuyên. Vào dịp trồng chè cao điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm, vườn ươm của gia đình anh chị xuất hơn 200 vạn hom bán cho người dân ở các huyện như: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ... Số còn lại bán buôn, bán lẻ cho người dân trong vùng. Từ việc ươm cây giống, mỗi năm gia đình anh chị thu được gần 1 tỷ đồng, trừ các chi phí, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Anh Thảo cho biết: Ươm chè giống không khó nhưng nếu không có kinh nghiệm, cây giống dễ mắc sâu bệnh dần dần sẽ chết. Vì vậy, thời gian đầu mới làm, vợ chồng tôi phải tự tìm tòi, nghiên cứu các loại sách, báo và tìm hiểu tại nhiều vườn ươm khác trên địa bàn huyện về kỹ thuật ươm cây giống. Có những hôm, nửa đêm cả 2 vợ chồng đi ra vườn ươm soi đèn pin nhằm phát hiện sâu bệnh, bọ gây hại để kịp thời có cách phòng, trừ. Nhờ biết cách chăm sóc nên cây giống luôn khỏe, đẹp, cũng vì vậy mà cây giống ươm vụ nào bán hết vụ đó. Nói về mô hình làm vườn ươm chè của vợ chồng chị Liên, anh Thảo, ông Hoàng Văn Chiến, Trưởng xóm Làng Mạ cho biết: Gia đình chị Liên, anh Thảo là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xóm. Từ mô hình này, anh chị đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động trong xóm. Bên cạnh đó, các hoạt động, phong trào ở xóm phát động, gia đình anh, chị Liên Thảo đều tích cực tham gia. Đây là gia đình văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm liền của xóm.
Thấy chúng tôi thắc mắc công việc bận bịu sẽ không có thời gian đầu tư cho việc dạy ở trường, chị Liên cho biết thêm: Làm hai việc cùng một lúc chắc chắn sẽ có một việc bị sao nhãng nếu không biết sắp xếp thời gian hợp lý. Tuy nhiên, làm chè giống không mất nhiều thời gian như các công việc khác, chỉ bận nhất vào thời điểm xuống giống (tháng 11 hằng năm) và xuất bán (tháng 8, 9). Trong lúc xuống giống hay xuất bán thì vợ chồng tôi phải thuê người làm toàn bộ, còn ở khâu chăm sóc thì đã thuê 2 lao động thường xuyên để làm. Hơn nữa, trong công việc giảng dạy, một ngày, tôi thường chỉ lên lớp vào buổi sáng, thời gian buổi chiều sẽ dành để giám sát công nhân làm và soạn giáo án, còn buổi tối sẽ dạy các con học bài. Vì vậy mà việc giảng dạy ở trường vẫn đảm bảo. Còn theo anh Thảo, là cán bộ giáo viên, nếu không làm tốt nhiệm vụ chuyên môn sẽ bị đánh giá vào kết quả thi đua của cá nhân và đồng nghiệp cũng không nể phục. Trong công tác giảng dạy, nhiều năm liền anh Thảo được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và năm nào cũng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
Chị Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Tự Minh đánh giá: Cô Liên là giáo viên có nền tảng kiến thức vững vàng, có năng lực và lòng nhiệt tình với công việc. Cô luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Trong công tác giảng dạy, cô giáo Liên đã đạt nhiều thành tích trong các năm học. Tiêu biểu như năm học 2015-2016, đạt giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi Toán cấp huyện; Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.