Xung quanh những khoản thu trái quy định (Bài 1)

16:56, 18/11/2016

Có nguồn thu đã được Chính phủ bãi bỏ hàng chục năm nay; lại có những nguồn thu xóm không được phép thu nhưng ở xã Tân Khánh và xóm Núi 3, xã Dương Thành (Phú Bình) người dân vẫn phải nộp những khoản tiền vô lý. Mặc dù không nằm trong quy định của Nhà nước, nhưng nếu hộ dân nào không chấp hành sẽ bị bêu tên tại các cuộc họp và không được công nhận Gia đình văn hóa.

 Khi nghị quyết không hợp lòng dân

 

Tiếng nói từ người dân

 

Ông Nguyễn Đức Thuận, xóm Đồng Tiến 2, xã Tân Khánh bức xúc: Nhà nước đã bỏ khoản thu lao động công ích gần 10 năm nay và 20 xã, thị trấn khác trong huyện cũng đã nghiêm túc chấp hành quy định này nhưng ở xã tôi, người dân vẫn phải nộp suốt bao năm qua. Thậm chí năm 2016 này, mức thu còn cao hơn, từ 100 nghìn đồng lên 160 nghìn đồng/người/năm (đối tượng phải nộp là nam từ 18-60 tuổi; nữ từ 18-55 tuổi). Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã, chúng tôi thắc mắc tại sao xã vẫn thu khoản đóng góp này thì chỉ được trả lời là HĐND xã đã thông qua nên người dân cứ thế mà thực hiện. Hộ dân nào chậm đóng sẽ bị nhắc nhở, bị “bêu” tên trên loa hoặc thông báo tại cuộc họp xóm; còn nếu không đóng sẽ bị “cắt” danh hiệu Gia đình văn hóa năm đó.

 

Bà Nguyễn Thị Hải Hạnh, xóm Hoàng Mai 1 cũng chung thắc mắc: Thấy các hộ dân khác nộp gia đình tôi cũng chấp hành chứ tôi không biết xã sử dụng khoản tiền này vào việc gì, còn ở xóm thì tôi biết là để sửa đường.

 

Còn theo ông Nguyễn Xuân Quyết, Trưởng xóm Phố Chợ thì khi thu khoản tiền này, nhiều hộ dân trong xóm thắc mắc, so bì sao xã khác không phải đóng mà xã mình vẫn thu? Chúng tôi chỉ biết giải thích là xã chỉ đạo. Bản thân tôi cũng không đồng tình bởi khoản thu này đã được Nhà nước bãi bỏ lâu rồi -. Đây cũng là ý kiến của ông Hà Văn Tám, Trưởng xóm Đồng Tiến 2.

 

Xã cho rằng việc thu là cần thiết

 

Qua trao đổi với 6 người dân trong xã, trong đó có 2 trưởng xóm, chúng tôi nhận thấy, có một điểm chung là mọi người đều cho rằng đây là khoản đóng góp lao động công ích mà xã vẫn duy trì từ trước đến nay. Nhưng theo ông Dương Văn Chung, Chủ tịch HĐND xã Tân Khánh thì đó không phải là tiền lao động công ích, mà là thu công xã hội để hỗ trợ các xóm xây mới và sửa chữa đường giao thông. Trước đây, xã thu 100 nghìn đồng/người/năm đối với người trong độ tuổi lao động. Từ số này được, 50% được để lại cho xóm tu sửa mặt đường, 50% nộp về xã tu sửa mặt đường xã quản lý. Tuy nhiên, do năm 2015, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngân sách xã nợ hơn 500 triệu đồng tiền xây dựng cơ bản. Và lẽ ra, theo kế hoạch, Tân Khánh đã về đích NTM  năm 2015, nhưng đến nay, xã vẫn chưa hoàn thành tiêu chí giao thông do 2 tuyến đường liên xã Tân Khánh - Đào Xá dài 2,4km và Tân Khánh - Bàn Đạt dài 2,6km chưa được cứng hóa. Vì thế, để trả được khoản nợ này và có tiền hỗ trợ cho những xóm làm đường mới, ngày 8-8-2016, tại kỳ họp thứ 2, HĐND xã khóa XIX đã ra Nghị quyết phê chuẩn mức thu này. Theo Nghị quyết, số tiền thu được sẽ dành 70% để trả nợ đường giao thông năm 2015; 30% để đầu tư xây mới đường giao thông, với định mức hỗ trợ 70 triệu đồng/km đường loại A (rộng 3,5m); 50 triệu đồng/km đường loại B (rộng 3m).

 

Nghị quyết HĐND xã là thế, nhưng trên thực tế, với tổng số tiền mà các xóm thu được của 3.488 người thuộc đối tượng (tương ứng với 558 triệu đồng), xã vẫn dành lại 50% cho các xóm tự sửa chữa đường; chỉ 50% nộp về xã. Cũng theo ông Dương Văn Chung, trước khi HĐND xã biểu quyết thông qua mức thu, chi đối với khoản vận động này, cuối năm 2015, xã đã tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân các xóm. Kết quả, 23/25 xóm đồng tình, chỉ có 2 xóm là La Tú và Đồng Tiến 2 cho rằng mức vận động này là cao nhưng tính đến cuối tháng 10 đã nộp đủ về cho xã.

 

Nghị quyết có hợp pháp?

 

Để hiểu rõ hơn việc thu, chi tiền vận động công xã hội ở Tân Khánh đúng hay không đúng, chúng tôi đã làm việc với bà Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh. Theo bà Nga, tại khoản 5 Điều 31, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có nêu, chính quyền cấp xã được phép huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã. Tuy nhiên, theo Quyết định số 800 ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 cho phép HĐND xã thông qua việc huy động vốn từ cộng đồng dân cư để thực hiện xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện nhưng là cho từng dự án cụ thể. Vì thế, việc HĐND xã Tân Khánh ra Nghị quyết về mức thu để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng đường giao thông (chứ không phải là cho từng công trình cụ thể) vào thời điểm ngày 8-8-2016 là chưa phù hợp.

 

Tuy nhiên, sau đó (ngày 16-8-2016), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600 Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 cho phép huy động vốn từ cộng đồng dân cư để thực hiện xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do HĐND xã thông qua thì lúc này, việc thông qua mức thu định mức thu công lao động xã hội của HĐND xã Tân Khánh tạm thời có thể chấp nhận được. Song, bà Mai Thị Thúy Nga cũng nhấn mạnh, nghị quyết chỉ được xác định là hợp hiến và hợp pháp khi những quy định về đối tượng, hình thức vận động, mức đóng góp tự nguyện, việc quản lý và sử dụng khoản đóng góp tự nguyện được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong cộng đồng dân cư toàn xã theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở năm 2007; Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 17-4-2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghĩa là UBND xã phải tổ chức lấy ý kiến của tất cả các xóm và phải có trên 50% người dân trong xã nhất trí. Tuy nhiên, trên thực tế, theo những trưởng xóm và người dân mà chúng tôi trao đổi như nêu trên thì xã Tân Khánh không hề triển khai việc lấy ý kiến của người dân về nội dung này. Do đó, Nghị quyết này của HĐND xã Tân Khánh được cho là chưa hợp hiến, hợp pháp.