Bình yên nơi đầu sóng

10:28, 29/12/2016

Sau nhiều ngày lênh đênh cùng sóng nước biển Đông, chúng tôi đã đến được với đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn),“thủ phủ” của Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ xa xa, đảo Trường Sa hiện ra như một ốc đảo xanh tươi tràn đầy sức sống. Đặt chân lên đảo, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi những hình ảnh, âm thanh quen thuộc. Từ những ngôi nhà với mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông trải dải, đến tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới, tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng trẻ em hồn nhiên nô đùa… Tất cả mang đến cho chúng tôi cảm giác yên bình, thân thuộc chẳng khác nào đang ở một làng quê trong đất liền.

Do điều kiện thời tiết, sóng to gió lớn nên tàu HQ 561 không thể cập cầu cảng. Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các phóng viên, nhà báo phải xuống xuồng CQ chuyên dụng để “hành quân” lên đảo. Xuồng vừa cập bến, mọi người chen nhau chạy ùa lên đảo. Trường Sa lớn đây rồi, “thủ đô” của Huyện đảo Trường Sa mà bao lần ước mơ được đặt chân đến, giờ chúng tôi đang đứng trên từng vuông đất, hít thở, ngắm nghía và lắng nghe những thanh âm của cuộc sống. Dù đã đặt chân lên đảo, chúng tôi vẫn còn cảm giác bồng bềnh như trên con tàu đang lướt sóng. Nhưng dưới tán cây rợp mát, rì rào trong gió biển, những cái ôm, bắt tay thật chặt của những người lính hải quân đã cho chúng tôi cảm giác thân thuộc như đã ở đây tự bao giờ.

 

Lớp học trên đảo Trường Sa.

 

Đưa chúng tôi đi thăm đảo, Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa kể: Do thời tiết khắc nghiệt nên ở Trường Sa chỉ có một vài loài cây sống được. Chỉ tay về phía những hàng cây trước mặt, Trung tá Tuyến nói: Đây là cây phong ba, kia là cây bão táp. Sở dĩ có tên như vậy là do cây chịu được sóng gió, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, những cây này vẫn sống và phát triển tốt. Ngoài ra, trên đảo còn có cây bàng vuông, loại cây đặc biệt và quý hiếm. Đặc điểm sinh trưởng của bàng vuông giống như cây bàng ở đất liền nhưng trái bàng vuông 4 cạnh và khi chín có màu tím, nhìn rất lạ mắt. Điều đặc biệt của loài cây này là mặc dù sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cây luôn nở hoa rất đẹp và tỏa hương dịu nhẹ về đêm, khiến cho những ai đến với đảo đều muốn chiêm ngưỡng. Dưới mỗi gốc cây là những hàng ghế đá được đặt ngay ngắn như ở những công viên trong thành phố. Khuất sau những tán phong ba, bão táp, bàng vuông… là những dãy nhà ở, ngôi chùa mái ngói đỏ tươi cùng những con đường bê tông rợp bóng cây xanh nối dài từ khu nhà này qua khu nhà khác. Đi sâu vào khu nhà ở của quân, dân trên đảo, đâu đâu cũng thấy những khu vườn nhỏ với luống rau muống, rau dền, mồng tơi xanh mơn mởn, giàn mướp trĩu quả... Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo cho biết: Xác định tăng gia sản xuất là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, quân và dân trên đảo Trường Sa lớn luôn dẫn đầu Lữ đoàn về sản lượng tăng gia sản xuất, bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/năm, đáp ứng đủ rau xanh và một phần thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.

 


Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa tập văn nghệ, đọc báo sau những giờ huấn luyện vất vả trên thao trường.

 

Ở Trường Sa bây giờ, ngoài những người lính ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc biển, vùng trời của Tổ quốc, thì sát cánh cùng họ còn 7 hộ dân sinh sống trong “ngôi làng lập nghiệp” trên đảo. Mỗi hộ dân được cấp một căn nhà rộng khoảng 100m2, gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và công trình phụ, được thiết kế khép kín. Mặc dù sống giữa biển khơi, luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nhưng tinh thần người dân thị trấn Trường Sa rất lạc quan, vui vẻ. Ở “làng lập nghiệp”, công việc chính của những người đàn ông là ra khơi giăng lưới, đánh bắt cá tôm, còn những người phụ nữ thì ở nhà nội trợ, trồng rau, chăn nuôi và chăm sóc con cái. Mỗi buổi chiều về, đánh được con cá to, họ đều chia sẻ cho nhau như người thân trong nhà. Các gia đình đều yêu quý nhau như những người ruột thịt.

 


Cuộc sống của các hộ dân trên đảo Trường Sa chủ yếu dựa vào nghề khai thác đánh bắt hải sản, trồng trọt và chăn nuôi.

Trong ảnh: Anh Thái Nhật Cường (Cam Lâm, Khánh Hòa) đang sửa soạn ngư cụ để chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá.

 

Anh Nguyễn Thành Hưng (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Khi mới chuyển ra thị trấn Trường Sa sinh sống, cuộc sống gia đình tôi gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng được sự giúp đỡ tận tình của UBND thị trấn và các cán bộ, chiến sĩ nên cuộc sống của gia đình tôi đã sớm ổn định. Sống giữa tình cảm chan hòa với hàng xóm láng giềng và mối gắn kết bền chặt với các chiến sĩ, tôi không hề có cảm giác khác biệt so với đất liền”. Còn anh Thái Nhật Cường (quê ở Cam Lâm, Khánh Hòa) thì cho biết: Ở trên đảo, chúng tôi cùng tựa vào nhau mà sống. Nhà nào có niềm vui thì cùng chia sẻ, có nỗi buồn lại động viên nhau vượt qua, chẳng khác nào anh em trong một đại gia đình nên chúng tôi rất yên tâm gắn bó với đảo”.

 

Trường Sa hôm nay đã có khu dân cư, trụ sở UBND thị trấn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, hệ thống trường học, trạm y tế khang trang… cùng mạng lưới điện gió, cung cấp nguồn điện 24/24 giờ cho toàn địa bàn thị trấn. Ngoài ra, trạm phát sóng điện thoại Viettel, mạng thông tin VSAT đã giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, bảo đảm liên lạc với người thân trong đất liền thuận lợi. Đêm xuống, cả thị trấn Trường Sa lung linh trong ánh điện. Khu vực trung tâm nhộn nhịp hơn thường ngày, vì hôm nay diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các nhà báo, phóng viên với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Điều đặc biệt mà chúng tôi nhận thấy là sự háo hức của khán giả ở đây vì luôn cổ vũ nồng nhiệt các tiết mục, không khí ấy thật hiếm khi gặp ở các chương trình văn nghệ trong đất liền. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đón bình minh trên đảo. Cũng vẫn tiếng gà gáy râm ran, xen tiếng còi báo thức, tiếng hô vang từ đội hình tập thể dục của các đơn vị, tiếng chuông chùa ngân nga hòa cùng tiếng sóng, tất cả tạo nên thanh âm đặc biệt mà chỉ riêng có ở nơi đây. Nhịp sống một ngày mới được bắt đầu, nơi thị trấn Trường Sa bé nhỏ và thân thương. 

 

Sau vài ngày ở lại trên đảo, chúng tôi lại phải lên tàu để tiếp tục hành trình đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các hòn đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Khi con tàu HQ 561 cất lên hồi còi dài, những cánh tay vẫy chào tạm biệt, cũng là lúc khóe mắt mọi người đều ngấn lệ. Tất cả không ai bảo ai cùng hát vang lời ca lưu luyến: Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển dẫu yên, lòng ta lay động…