Cần cộng đồng lên tiếng

10:01, 03/12/2016

Với hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), từ nhiều năm nay, ngoài các đoàn thể, tổ chức xã hội, địa phương, nạn nhân của bạo hành gia đình có thêm một địa chỉ tin cậy để được tư vấn, hỗ trợ can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, để hoạt động đơn vị này phát huy hiệu quả cao, rất cần sự hợp tác của nạn nhân và sự lên tiếng của cộng đồng tố cáo hành vi bạo hành gia đình.

Hơn 7 tháng sau khi bị mẹ nuôi là Nguyễn Thị Thanh Hồng bạo hành, vết thương trên cơ thể em Mạch Thu Ngân, 7 tuổi đã lành. Hiện, Ngân đã về sống với mẹ ruột là chị Nguyễn Thị Hòa ở xóm Làng Dạ, xã Tân Thịnh (Định Hóa). Dù vẫn còn sợ khi nhắc đến chuyện bị mẹ nuôi hành hạ nhưng với sự trợ giúp trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn của Trung tâm Công tác xã hội, Ngân đã vui hơn và không còn rơi vào trạng thái hoảng sợ như trước kia.

 

Tháng 9-2014, do hoàn cảnh khó khăn, em Nông Thị Diệu Thuyên (tên trước đây của Ngân) được mẹ ruột cho làm con nuôi gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hồng và ông Mạch Văn Minh ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên). Em được bố mẹ nuôi đổi tên là Mạch Thu Ngân. Những tưởng tổ ấm mới sẽ chắp cánh cho Ngân trưởng thành, vậy mà mẹ nuôi của em đã nhiều lần đánh đập, chửi mắng em. Đỉnh điểm là vào tháng 4-2016, bà Nguyễn Thị Thanh Hồng đã đánh đấm nhiều lần vào mặt và khắp cơ thể em Ngân, gây tổn thương nhiều chỗ. Nghiêm trọng hơn, người phụ nữ này đã dùng cây quấy cám đánh làm gãy chân của Ngân. Sự việc này đã bị người dân phát giác và báo với cơ quan chức năng vào cuộc. Nắm bắt được sự việc, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cùng với chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ kịp thời để Ngân điều trị vết thương và sau đó chuyển về sống với mẹ đẻ để tiếp tục trị liệu tâm lý. Sắp tới đây, với sự trợ giúp của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, em Mạch Thu Ngân sẽ được Làng trẻ em SOS Hà Nội đón về nuôi dưỡng vì hiện giờ cuộc sống của gia đình em rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hòa - mẹ ruột của Ngân chia sẻ: Một mình tôi đi làm nuôi 3 đứa con và chăm sóc bố chồng đã cao tuổi nên cuộc sống rất khó khăn. Mong Ngân về Làng trẻ SOS sẽ có cuộc sống tốt hơn.

 

Trên đây là một trường hợp điển hình mà nạn nhân của bạo hành gia đình đã được Trung tâm Công tác xã hội phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Theo ông Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, mỗi năm, Trung tâm trợ giúp hàng chục nạn nhân bạo hành gia đình như bé Ngân, qua đó, giúp các nạn nhân bạo hành gia đình ổn định tâm lý, hòa nhập cuộc sống trở lại.

 

Tuy nhiên, theo ông Dân, con số nạn nhân nhận được hỗ trợ, can thiệp của Trung tâm là rất ít so với thực tế các vụ bạo hành gia đình xảy ra trong xã hội. Nạn nhân bị bạo hành gia đình thường phải gánh chịu những tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình, trật tự xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết nạn nhân bạo hành gia đình thường có tâm ý e ngại hoặc cố chịu đựng cho qua mọi chuyện để gia đình hòa thuận, tổ ấm được bình yên nên không nhờ đến sự can thiệp của chính quyền, xã hội. Một số vụ việc bạo hành gia đình thậm chí còn được chính quyền địa phương che giấu để không làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua chung của địa phương.

 

Chị Trần Bảo Khánh, Phó Trưởng phòng Can thiệp - Hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội cho biết: Nhiều nạn nhân bị bạo hành thường xuyên nhưng do quá lo sợ tiếp tục bị bạo hành hoặc lo sợ cộng đồng xã hội bàn tán, xa lánh, chê cười… nên đã từ chối sự trợ giúp từ Trung tâm hoặc chỉ nhận sự trợ giúp tư vấn qua đường dây nóng 1800 80 80 khiến việc can thiệp gặp nhiều khó khăn. Như trường hợp chị N.B.H, bị chồng là N.Q.K ở xã Điềm Thụy (Phú Bình) bạo hành trong thời gian dài do mâu thuẫn trong việc chăm sóc con riêng của chồng. Rất nhiều lần, anh K. đánh chị H. gây thương tích và thậm chí có lần chị phải nhập viện điều trị. Tháng 4-2016, không chịu nổi bạo hành của anh K., chị H. đã bỏ nhà đi và gọi điện yêu cầu Trung tâm hỗ trợ tư vấn, can thiệp để chị H. ly dị anh K. Khi chúng tôi liên hệ, anh K. đã từ chối đề xuất ly hôn của chị H. Lo sợ anh K. bạo hành nên chị H. thường xuyên trốn tránh và chỉ nhận sự trợ giúp của chúng tôi qua điện thoại. Chính vì vậy, phải mất hơn 6 tháng kiên trì vận động, hỗ trợ, sự việc mới được giải quyết. Hiện, chị H. đã ly hôn anh K. và đã chuyển đến sống ở một địa phương khác.

 

Theo ông Nguyễn Đức Dân, sự tồn tại của bạo hành gia đình có liên quan đến nhận thức không đầy đủ của cộng đồng, cho rằng bạo hành gia đình là việc riêng của từng gia đình. Nạn nhân bị bạo hành gia đình chủ yếu là phụ nữ và các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, những người hạn chế hoặc hết khả năng tạo lao động. Bạo hành gia đình xuất phát từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Sự che dấu hành vi bạo hành của nạn nhân một phần nguyên do là xấu hổ với người thân, láng giềng, muốn giữ thể diện và hạnh phúc giả tạo, khiến cho nhiều nạn nhân bạo hành gia đình không tố giác hành vi bạo hành, không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài, âm thầm cam chịu, chính điều đó đã tạo điều kiện cho nạn bạo hành gia đình tồn tại và ngày càng có xu hướng gia tăng.

 

Để hạn chế tối đa bạo hành gia đình, rất cần sự lên tiếng của cộng đồng của người trong cuộc, người dân và chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Đức Dân, đối với nạn nhân của bạo hành gia đình, Trung tâm Công tác xã hội có thể cung cấp một số dịch vụ xã hội để hỗ trợ nạn nhân, như: lập kế hoạch trợ giúp, điều phối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ưu tiên và đáp ứng nhu cầu của họ, đảm bảo giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn mà thân chủ đang gặp phải; đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn cho nạn nhân… Những trường hợp có vấn đề về tâm lý quá lớn, nhân viên xã hội không đủ khả năng giải quyết thì sẽ đựơc kết nối, chuyển giao đến các cơ quan và tổ chức có khả năng, đủ thẩm quyền. Ông Dân cũng cho biết: Đầu năm 2017 tới đây, khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình nhà tạm lánh do Trung tâm quản lý, đơn vị có thể tiếp nhận đồng thời hàng trăm người cần trợ giúp, trong đó có nạn nhân của bạo hành gia đình. Chính vì vậy, tôi mong muốn đông đảo người dân cùng lên tiếng để cùng với các đơn vị chức năng hành động chấm dứt bạo hành gia đình, chấm dứt hành vi bất bình đẳng với phụ nữ, trẻ em, người già... trong mỗi gia đình.