Cần di dời ngay các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm do sụt lún

14:31, 27/12/2016

Những ngày gần đây, gia đình ông Nông Văn Nàng (76 tuổi), dân tộc Nùng ở xóm Kim Cương, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã phải dọn toàn bộ đồ đạc ra khỏi ngôi nhà xây đang ở, dựng tạm lán bạt gần đó để tránh nguy cơ sập nhà. Một số gia đình lân cận cũng đang rất lo lắng vì nhà ngày càng nứt to, nhiều chỗ bị lún, mất nước, tường bị nghiêng do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nông Văn Nàng lúc 11 giờ. Thay vì nấu cơm trưa, hai vợ chồng ông cứ đi ra đi vào than thở, hết nhìn nhà xây có mấy cây gỗ dựng lên đỡ tường khỏi đổ lại trông xuống lán bạt xiêu vẹo mới dựng phía ngoài cổng. Cậu con trai út ở cùng thì lật đật đi xếp lại mấy ống mũi khoan giếng vứt chỏng chơ ở góc vườn do đã khoan mấy chỗ sâu đến 40m mà chưa có nước, đội thợ khoan nản quá, bỏ giữa chừng. Trò chuyện với chúng tôi trong lán dựng tạm, ông Nàng ngán ngẩm: Khổ quá anh ạ. Nhà ngày càng nứt tợn, góc bên trái bị nghiêng rồi không dám ở nữa, đành bất đắc dĩ phải dọn ra ngoài này. Hôm rồi mìn đánh quặng bên khu Tầng sâu Núi quặng (Mỏ sắt Trại Cau) nổ làm rung cả nhà, tưởng đổ luôn nên thằng con lấy cây về chống tạm. Bà con xúm lại dựng cho cái lán này đấy. Người con trai út của ông Nàng thì chua xót thêm vào: Chưa khi nào nhà tôi phải chạy vạy ăn đong từng bữa như hiện giờ. Hơn mẫu ruộng của nhà bỏ không 3 vụ nay vì mất nước, sụt hố do ở gần khu vực khai thác khoáng sản. 

 

Ở gần nhà ông Nàng, mấy gian nhà xây cấp 4 của ông Nguyễn Văn Mùi cũng trong tình cảnh nứt nền, tường và có hiện tượng nghiêng muốn đổ. Dù vậy, gần tháng nay ông Mùi vẫn chưa chuyển ra ở bên ngoài. Khi được hỏi tại sao biết nguy hiểm nhưng cả gia đình vẫn ở lại trong nhà, ông Mùi ngậm ngùi: Gia đình tôi còn mẹ già trên 90 tuổi. Cụ bị tai biến nên yếu lắm, nếu để cụ ra ngoài lán ở tạm, sương gió, rét mướt thế này chắc không chịu nổi. Lỡ cụ làm sao, con cháu lại ân hận. Do vậy, biết là nguy hiểm nhưng vẫn chưa chuyển ra.

 

Là người dân trong xóm, chứng kiến những cảnh ngộ này, bà Ngô Thị Hồi không khỏi bùi ngùi: “Chúng tôi mong chính quyền địa phương và đơn vị liên quan để tâm hơn nữa, đừng để người dân vùng mỏ phải chịu thiệt thòi thêm”. Được biết, hiện tại ở xóm Kim Cương có khoảng 10 hộ gia đình sống gần khu vực khai thác mỏ Tầng sâu Núi quặng bị nứt tường nghiêm trọng cần phải di dời đi nơi khác.

 

Tương tự, tại 2 xóm Hòa Bình và Trại Cau, xã Cây Thị, nhiều hộ dân đang phải sống trong cảnh mất nước sinh hoạt, nước sản xuất và luôn nơp nớp lo sập nhà bất cứ lúc nào. Bà Vũ Thị Tiến, người dân ở xóm Hòa Bình, nhà chỉ cách mỏ sắt Tầng sâu Núi quặng mấy trăm mét bức xúc: Chúng tôi kêu nhiều lần rồi, tỉnh, huyện và Mỏ sắt Trại Cau đã về kiểm tra và bước đầu có phương án hỗ trợ, song nhiều ngày nay không thấy triển khai thực hiện. Trong khi đó, mức độ nguy hiểm càng ngày càng lớn. Khi bà con thắc mắc thì đều được trả lời “phải đợi các nhà khoa học vào xác định do đơn vị nào gây ra”. Cũng theo bà Vũ Thị Tiến và một số hộ lân cận thì tình trạng nứt tường, mất nước xảy ra ở đây từ năm 2014, khi mỏ Tầng sâu Núi quặng tập trung khai thác ở độ sâu âm 40m. Và hiện tại, khi độ sâu của mỏ này xuống tới âm 50m thì nhà bị nứt to hơn, đất sụt lún nhiều hơn.

 

Trao đổi với ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, chúng tôi được biết, từ tháng 7-2014, tình trạng mất nước bắt đầu xuất hiện tại một vài hộ trong xóm Hòa Bình. Tháng 4-2015, thấy hiện tượng sụt lún ở cánh đồng xóm Kim Cương và Trại Cau. Từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, xuất hiện nứt nhà dân ở Hòa Bình và lan sang xóm Trại Cau, Kim Cương với khoảng 40 hộ ảnh hưởng. Từ tháng 9-2016 đến nay, số hộ ảnh hưởng ở đây đã lên đến gần 60 hộ (100% số hộ bị mất nước sinh hoạt, sản xuất) và tiếp tục có nguy cơ tăng lên. Trước thực tế trên, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan đã thống nhất đưa ra một số giải pháp như: lắp đặt đường ống cấp nước sinh hoạt cho người dân từ Nhà máy nước thị trấn Trại Cau; Mỏ sắt Trại Cau bơm nước sản xuất cho bà con từ dưới moong khai thác; huyện có phương án di dời đối với những hộ nằm trong vùng nguy hiểm… Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa được dùng nước sinh hoạt đầy đủ; hơn 40ha đất nông nghiệp của bà con không thể canh tác vì thiếu nước. Điều đáng nói, việc sụt lún, nứt nhà, mất nước mới chỉ được lập biên bản xác định hiện trạng chứ chưa được bồi thường, hỗ trợ.

 

Ông Phạm Thanh Sao cho biết thêm, tại khu vực này có 3 đơn vị khai thác khoáng sản là Mỏ sắt Trại Cau, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên và Doanh nghiệp Anh Thắng. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng Mỏ sắt Trại Cau là đơn vị gây ra tình trạng trên vì từ năm 2014, khi hai đơn vị còn lại chưa vào khu vực này khai thác, hiện tượng sụt lún, mất nước, nứt nhà đã xảy ra. Cách đây 2 tháng, Công ty CP Luyện kim đen đã ngừng khai thác và hoàn trả mặt bằng như ban đầu, Doanh nghiệp Anh Thắng thì khai thác mỏ lộ thiên nên không gây ảnh hưởng.

 

Trước thực tế một số nhà dân bị nứt, nghiêng, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng, rất cần sự khẩn trương vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Từ đó, xác định vùng đặc biệt nguy hiểm để có ngay phương án di dời, tái định cư ổn định cuộc sống cho bà con, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.