Cần giải pháp hạn chế những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

15:30, 03/12/2016

Sụt lún nhà cửa, ruộng vườn; mất nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất; khói bụi,... là những hệ lụy do các doanh nghiệp khai thác than trên địa bàn đã gây ra cho không ít hộ dân ở xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) trong nhiều năm qua. Mặc dù những doanh nghiệp này đã triển khai nhiều giải pháp song vẫn chưa triệt để.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng sinh sống tại xóm Cao Sơn 3 đã hàng chục năm nay. Cách đây vài năm, gia đình bà xây ngôi nhà mới, mái bằng để ở thì không lâu sau tường nhà nhiều chỗ bị nứt toác. Bà Hằng cho biết: Năm ngoái, ở giữa nhà tôi xuất hiện hố sụt lún sâu hơn 1m, rộng 2m mà không biết vì sao. Lo lắng, các con và cháu tôi sau đó phải di chuyển đi nơi khác để ở. Phía công ty khai thác than đã hỗ trợ sửa chữa, tuy nhiên nếu sống ở đây lâu dài chúng tôi vẫn rất lo lấy. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp khai thác có biện pháp xử lý để gia đình tôi yên tâm sinh sống. Còn bà Đào Thị Hồng, ở cùng xóm cho biết: Không chỉ tường nhà bị nứt, xuất hiện nhiều hố sụt lún trong vườn, cứ đợt mưa nào kéo dài là nhà tôi bị ngập trong nước vì doanh nghiệp đổ thải làm lấn dòng suối, chặn dòng chảy khiến nước dâng chảy vào nhà.

 

Ngoài việc nổ mìn khai thác làm rung lắc mạnh gây nứt nhà cửa, nhiều hộ dân ở Cao Sơn 3 có ý kiến về việc khai thác hầm lò của các doanh nghiệp đã làm mất mạch nước ngầm khiến thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất; việc vận chuyển than gây bụi phủ kín nhà cửa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực xóm Cao Sơn 3 có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác than dưới hình thức hầm lò và lộ thiên, gồm Mỏ than Bá Sơn của Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên; Mỏ than Khánh Hòa của Công ty Than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc). Ông Phạm Huy Môn, nguyên là Trưởng xóm Cao Sơn 3 - cho biết: Xóm Cao Sơn 3 có 110 hộ dân, 350 nhân khẩu thì có 29 hộ sống gần khu vực khai thác, đổ thải của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nổ mìn làm rung lắc nhà cửa; thiếu nước sinh hoạt, mùa mưa lũ nước sông dâng chảy vào nhà cửa. Số hộ còn lai bị ảnh hưởng ít nhiều của khói bụi khi các doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu. Hiện nay, ở xóm đã có 3 hộ di dời hẳn đến nơi khác ở, một số hộ khác có con nhỏ cũng phải đưa đi ở chỗ khác, để lại nhà cửa, ruộng vườn thi thoảng mới về thăm nom.

 

Trước những ý kiến trên, ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa cho rằng: Khai trường của Công ty cách xa khu vực xóm Cao Sơn 3 ít nhất với khoảng cách 300m. Do đó, nếu nói việc nổ mìn khai thác làm rung lắc, nứt nhà, mất nước của người dân trong xóm là không chính xác. Còn việc đổ thải làm chèn dòng chảy, chúng tôi đã cho máy móc nạo vét dòng suối nhưng người dân đều phản đối. Họ muốn đơn vị đền bù để di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện vì khu vực xóm Cao Sơn 3 không chỉ nằm ngoài khu vực quy hoạch mà còn cách khá xa khai trường của Công ty. Riêng việc khai thác, vận chuyển nguyên vật liệu gây bụi, chúng tôi đã thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu như làm mới đường vận chuyển nguyên liệu, đồng thời kết hợp cho xe tưới đường, trung bình mỗi ngày 1 lần.

 

Còn ông Vũ Tiến Hải, Giám đốc Điều hành Mỏ than Bá Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên cho biết: Mỏ than Bá Sơn được cấp phép khai thác tại xã Cổ Lũng (Phú Lương) từ năm 1983. Đến năm 2006, doanh nghiệp xin cấp phép mở rộng khai trường xuống xóm Cao Sơn 2, Cao Sơn 3 và Cao Sơn 4 của xã Sơn Cẩm. Trước những ý kiến của người dân, cụ thể về việc mất nước, từ năm 2008, chúng tôi đã hỗ trợ tiền để người dân mua đất khoan giếng, xây bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Về bụi than, đơn vị đã thường xuyên cho xe tưới, rửa đường. Những hộ dân có diện tích ruộng gieo cấy gần moong khai thác bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất, từ trước đến nay, chúng tôi luôn có sự hỗ trợ hợp lý cho bà con.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết: Trước những hiện tượng như mất nước, khói bụi, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Còn ở việc sụt lún nhà cửa, ruộng vườn, các ban, ngành từ huyện đến tỉnh đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Bởi lẽ, từ năm 1993, tại khu vực xóm Cao Sơn 3, tình trạng tự ý đào hầm lò để khai thác khoáng sản diễn ra phổ biến. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc sụt lún. Từ vấn đề này nên các công ty, cụ thể là Mỏ than Bá Sơn không đồng thuận việc hỗ trợ di dời các hộ dân mà khi bị ảnh hưởng họ chỉ hỗ trợ phần nào. Để người dân sớm ổn định cuộc sống, tôi đề nghị các ngành chức năng tìm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể để bà con ổn định cuộc sống.

 

Tuy nhiên, thực tế mà nói, hoạt động khai thác than của 2 doanh nghiệp trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con xóm Cao Sơn 3 và một số xóm lân cận. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực sinh sống của người dân xóm Cao Sơn 3 cách khu đổ thải của doanh nghiệp không xa, bãi đổ thải được tích tụ nhiều năm cao hàng chục mét đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đến cuộc sống của người dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sớm vào cuộc tìm giải pháp giúp bà con ổn định cuộc sống.