Cần nguồn kinh phí đầu tư bền vững cho điều trị HIV/AIDS

08:15, 01/12/2016

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV mà còn làm giảm lây truyền HIV sang người khác.

Một số nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng: Điều trị ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Đồng thời, điều trị ARV còn làm giảm gánh nặng điều trị cho gia đình và ngành y tế.

 

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, nhiều văn bản pháp luật, những chủ trương quan trọng nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS đã được Đảng và Nhà nước ta ban hành. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 80% trên tổng số người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị. Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong phòng chống HIV/AIDS với nhiều mô hình tốt, nhờ đó nước ta đã cơ bản kìm hãm được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS.

 

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS quan trọng khác như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ. Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam.

 

Hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế đang dần giảm mạnh, đây cũng là khó khăn cho Việt Nam trong thời gian tới. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải huy động nguồn vốn khá lớn để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống HIV/AIDS. Nếu không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại. Nếu kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS thiếu hụt trầm trọng thì nhiều hoạt động sẽ không được triển khai như: dự phòng, xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị...

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ: Một thuật toán đã được các nhà lập kế hoạch áp dụng để ước tính số người nhiễm HIV trong giai đoạn tới căn cứ vào các giả định như tỷ lệ nhiễm HIV ở các quần thể nguy cơ cao lây nhiễm HIV, giả định về độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Với mức tình hình dịch trung bình thì Việt Nam sẽ cần phải cung cấp ARV điều trị cho hơn 130.000 bệnh nhân vào năm 2016, tương tự là gần 160.000 vào năm 2017, hơn 180.000 vào năm 2018, gần 210.000 vào năm 2019 và hơn 220.000 bệnh nhân vào năm 2020. Nếu Việt Nam mua thuốc với giá như hiện nay (mua sắm quốc tế với giá rẻ) và cam kết của các nhà tài trợ được thực hiện đúng thì đến năm 2016 cần hơn 150 tỷ đồng cho mua thuốc ARV, tương tự như vậy là cần 220 tỷ đồng vào năm 2017, gần 760 tỷ đồng năm 2018, hơn 870 tỷ đồng năm 2019 và hơn 920 tỷ đồng năm 2020.

 

Trong bối cảnh nguồn viện trợ bị cắt giảm, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp trước mắt đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS. Theo đó, Chính phủ cần có nguồn kinh phí đầu tư bền vững, tăng hàng năm từ ngân sách trung ương để mua thuốc ARV. Nguồn kinh phí này có thể thuộc nguồn Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên cần một tỷ trọng đủ lớn để đáp ứng thuốc ARV theo nhu cầu điều trị và căn cứ vào khả năng tài chính của từng địa phương. Với những tỉnh, thành phố có khả năng cân đối ngân sách, đề nghị địa phương đó bố trí đủ ngân sách cho điều trị bệnh nhân ở địa phương mình. Chính phủ chỉ hỗ trợ kinh phí cho những tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Việt Nam cần huy động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để các chi phí liên quan đến điều trị HIV/AIDS được thanh toán thông qua bảo hiểm y tế. Để thực hiện phương án này, các ngành liên quan cần hướng dẫn chi tiết từ việc đấu thầu mua sắn thuốc ARV, danh mục thuốc hỗ trợ có bao gồm thuốc phác đồ bậc 2 hay không, đơn vị đầu mối thực hiện...

 

Phương án mua sắm tập trung cấp quốc gia qua đơn vị mua sắm trung gian quốc tế và đấu thầu rộng rãi quốc tế đang được Bộ Y tế tính đến đầu tiên. Phương án này sẽ giúp duy trì được hệ thống cung ứng thuốc tập trung đang được Bộ Y tế vận hành chuyên nghiệp hiện nay, giúp điều phối thuốc cho các cơ sở điều trị và cấp phát thuốc ARV trên toàn quốc. Điều phối tập trung thuốc ARV là cần thiết, sẽ tránh tình trạng thiếu thuốc và thuốc quá hạn, đảm bảo duy trì điều trị và chất lượng điều trị cho người bệnh. Mặt khác, phương án này mua thuốc khối lượng lớn sẽ có giá thành cạnh tranh nhất. Ngoài ra, mua sắm tập trung cấp quốc gia giúp giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế và các nguồn kinh phí của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Mua sắm tập trung cấp quốc gia cũng giúp Quỹ Bảo hiểm y tế kiểm soát giá thuốc một cách thống nhất giữa các tỉnh, thành phố và đảm bảo cung ứng đầy đủ chủng loại thuốc với chất lượng thuốc đồng đều cho các cơ sở điều trị có số lượng bệnh nhân điều trị ít.

 

Như đã biết, điều trị ARV là điều trị liên tục, suốt đời. Do vậy, việc cung ứng thuốc ARV cũng phải được thực hiện theo cách đặc biệt để đáp ứng đặc trưng của người bệnh. Việc bị cắt giảm nguồn tài trợ buộc Việt Nam phải tính đến các nguồn lực khác từ trung ương đến địa phương và theo một phương cách chi trả thống nhất trên toàn quốc để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp tục tiếp cận với điều trị ARV. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.