Nhiều năm trước, các vùng đồng báo dân tộc thiểu số đều được coi là “vùng lõm” trong công tác y tế. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Y tế. Song những năm gần đây, y tế vùng cao của tỉnh đã có sự khởi sắc, đó chính là sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Vào những ngày đông cuối năm 2016, chúng tôi có dịp cùng Đoàn tình nguyện của Thành đoàn Thái Nguyên và Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đến tặng quà và khám bệnh miễn phí cho trẻ em và các đối tượng chính sách của xã Phương Giao (Võ Nhai). Nhìn những em nhỏ háo hức chờ đợi được phát quà, chúng tôi nhận ra một điều, đa số các em đã được mặc ấm, đi tất, mang giày dép đầy đủ. Hình ảnh này gợi chúng tôi nhớ đến chỉ vài năm trước đây, cũng tại nơi này, nhiều trẻ em tím tái trong rét lạnh, trên người là chiếc áo mỏng manh, chân đi dép lê, không tất, nhiều em còn đi chân trần trên nền đất ẩm ướt. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Phương Giao giải thích rằng: Nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn mà chưa mua được áo ấm, tất cho con, nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đi chân trần là thói quen của cả người lớn và trẻ em nơi đây. Ở đây, đồng bào còn chưa có ý thức nhiều về việc phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Chẳng thế mà Phương Giao nhiều năm liền ở trong “tốp đầu” của huyện Võ Nhai về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em không được tiêm chủng đẩy đủ, các bệnh dịch cũng vì thế mà nhiều hơn nơi khác. Cách đây không lâu, cuối năm 2014, dịch sởi đã bùng phát tại đây với trên 100 trường mắc sốt phát ban dạng sởi ở cả người lớn và trẻ em. Nghe chúng tôi chia sẻ về câu chuyện cũ này, bác sĩ Đặng Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Giao khẳng định: Ngày trước thì đúng là như vậy nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, nhận thức về y tế của đồng bào các dân tộc trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Mỗi khi có bệnh, bà con đã chủ động đến trạm y tế để được khám và cấp thuốc. Việc cúng bái khi ốm đau, tự hái lá cây rừng để chữa bệnh gần như đã được xóa bỏ. Nói về điều này, ông Ngô Văn Sinh, phụ trách khu vực Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao nơi có 90/91 hộ là đồng bào dân tộc Mông bảo: Người Mông từ ngày xuống núi đã có nhiều thay đổi. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng chúng mình cũng muốn bọn trẻ được ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe để lớn lên khỏe mạnh, có sức đi học, đi làm.
Từ Phương Giao, chúng tôi ngược ra xã Dân Tiến (Võ Nhai) nơi từng là “điểm nóng” của hủ tục sinh đẻ tại nhà. Nhắc đến điều này, bác sĩ Lương Văn Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Tiến cho biết: Trước đây, đồng bào Mông ở xóm Lân Vai và khu vực Đồng Ươm (thuộc 2 xóm Tân Tiến và Bắc Phong) vẫn giữ phong tục sinh đẻ tại nhà. Việc sinh nở được giao phó vào tay người thân trong gia đình với những dụng cụ thô sơ, chưa được vệ sinh đúng cách. Do đó, tỷ lệ tai biến trong sinh đẻ vẫn ở mức cao. 5 năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quyết liệt bám xóm, bám bản, chúng tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã vận động thành công bà con bỏ hủ tục này. Hiện nay, 100% phụ nữ mang thai ở xã đều đến các cơ sở y tế để sinh đẻ. Chị em cũng chủ động đi khám thai thường xuyên, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản ở xã đều đạt kết quả cao.
Không chỉ ở huyện vùng cao Võ Nhai, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhận thức của người dân về y tế đã có sự thay đổi rõ rệt. Bác sĩ Trần Anh Quân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) chia sẻ: Xã có đến 15/25 xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do nằm xa trung tâm huyện nên hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương hầu hết đều do Trạm Y tế xã đảm nhận. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, chúng tôi nhận ra rằng nhiều người dân tộc thiểu số còn chưa quan tâm đến việc giữ gìn sức khoẻ bản thân, đặc biệt là người già và trẻ em trong những ngày thời tiết thay đổi xấu. Nhiều gia đình vẫn có tập quán dựng chuồng trại chăn nuôi ngay cạnh nhà gây ô nhiễm môi trường sống. Trong việc sinh hoạt hàng ngày, nhiều gia đình ăn, ở chưa hợp vệ sinh.
Trước thực tế ấy, Trạm Y tế xã Phú Đô đã chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi suy nghĩ. Cán bộ Trạm phối hợp với đội ngũ y tế thôn bản tuyên truyền cho đồng bào bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền thông qua tranh ảnh… từ những việc nhỏ như vệ sinh nhà cửa, mặc ấm khi trời lạnh, nằm màn khi ngủ… Nhờ tuyên truyền, hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” nên đã thay đổi được nhiều thói quen chưa tốt trong sinh hoạt, sản xuất của bà con vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể minh chứng sự thay đổi này qua những con số của năm 2016 như: Trên 4.000 lượt người được khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 99%; tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống còn khoảng 10%...
Thời gian qua, bên cạnh việc được quan tâm thực hiện hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn tỉnh, ngành Y tế đã đặc biệt chú trọng đến các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường nhân lực cho y tế vùng cao luôn được Sở Y tế đưa vào chương trình hoạt động trọng tâm hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 80% trạm y tế xã có bác sĩ, trong đó tất cả các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều được bố trí 1-2 bác sĩ. Nhờ đó, nhiều trường hợp cấp cứu chấn thương, ca bệnh nặng đã được bác sĩ xử lý kịp thời, tránh được tử vong, nhất là ở những xã xa bệnh viện, làm giảm những ca bệnh phải chuyển tuyến trên. Hiện nay, 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Từ những kết quả đạt được trong công tác phòng và điều trị bệnh cho nhân dân cùng với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ nhân viên, y tế thôn bản, đồng bào đã dần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức về phòng tránh bệnh tật. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bản tỉnh.