Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác mang chôn lấp, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải, từ năm 2014 T.P Thái Nguyên đã thực hiện Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
Ông Đào Xuân Hòa, Phó Phòng Quản lý Đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: Để thực hiện Đề án, T.P Thái Nguyên đã chọn phường Quang Trung làm điểm sau đó triển khai đến các xã, phường khác. Kinh phí để thực hiện Đề án cũng khá tốn kém. Ngoài mua sắm trang thiết bị phân loại, thu gom và xử lý rác thải, thành phố còn chi gần 800 triệu đồng để in ấn tài liệu phục vụ tuyên truyền, vận động nhân dân. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai (từ năm 2014-2016) Đề án mang lại hiệu quả rất thấp.
Để kiểm chứng, chúng tôi đến phường Quang Trung và nhận thấy người dân không mặn mà với việc phân loại rác thải tại nguồn. Bà Đỗ Thị Dung, tổ 21 cho biết: Thời gian đầu tôi được tuyên truyền rất kỹ và thực hiện phân loại rác khá bài bản, nhưng thấy công nhân vệ sinh môi trường lại bỏ các loại rác vào cùng một thùng, nên tôi không thực hiện nữa. Tương tự, bà Lê Thị Thoa, tổ dân phố 12 thì nói: Việc phân loại rác rất mất công, lúc đầu tôi thấy các hộ xung quanh thực hiện hào hứng nên cũng làm nhưng nay thấy nhiều người bỏ, tôi cũng bỏ theo.
Để ý việc thu gom rác của các công nhân vệ sinh môi trường trên các tuyến phố chúng tôi cũng thấy các loại rác đều không được phân loại mà bỏ hết vào một thùng. Chị Lê Thanh Hằng, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cho biết: Ban đầu chúng tôi cũng được Công ty chỉ đạo phải phân ra từng loại rác, nhưng chúng tôi cảm thấy rất bất tiện, vì khi đi gom rác lại phải đem theo mấy loại túi mà mỗi túi nilon chỉ đựng được vài kilogam rác, nếu đựng nhiều sẽ đứt quai, vả lại rất ít hộ phân loại rác thải để chúng tôi thu gom.
Về tác dụng của việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là không phải bàn cãi, nếu thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường. Tuy nhiên, để tạo ra thói quen thực hiện của người dân không dễ. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo T.P Thái Nguyên khẳng định: Dù khó cũng phải thực hiện bằng được, vì muốn xây dựng T.P Thái Nguyên văn minh thì việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là hết sức cần thiết. Để tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện, T.P Thái Nguyên chuẩn bị thông qua Đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2020 vào kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.
Để Đề án đạt được mục tiêu như mong muốn, mới đây, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện của giới nhân sĩ, tri thức, cá nhân tiêu biểu đóng góp vào vào dự thảo các đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó có dự thảo Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Đề án chưa thành công là do người dân chưa hoàn toàn tự nguyện thực hiện. Do vậy các xã, phường và từng chi bộ tổ dân phố phải ra nghị quyết về việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện; cần kiện toàn Ban Chỉ đạo các phường, xã và các tổ tự quản tại các xóm, tổ dân phố, đưa việc phân loại rác thải tại nguồn vào hương ước, quy ước của các tổ, xóm. Thành phố cũng nên thành lập đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn của các chủ nguồn thải, nếu rác chưa qua phân loại thì không thu gom. Cũng có ý kiến cho rằng, cần đưa kết quả thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn tại các cơ quan đơn vị, hộ gia đình, tổ chức vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, xóm tổ văn hóa hằng năm, có khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Phải có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng vi phạm các quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn… Những ý kiến nêu trên cũng sẽ được các phòng, ban chuyên môn của thành phố tiếp thu để áp dụng thực hiện tốt hơn việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn T.P Thái Nguyên trong thời gian tới.