Điều trị nghiện bằng Methadone - giải pháp hiệu quả cho người nghiện ma túy

10:28, 18/12/2016

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Nghiện các chất dạng thuốc phiện là một bệnh lý mạn tính của não bộ và cần được điều trị như các bệnh mạn tính khác. Trên thế giới hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hầu hết các phương pháp cai nghiện đều có tỷ lệ tái nghiện rất cao (trên 90%).

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hiện nay được coi là một giải pháp có hiệu quả cho người nghiện ma túy. Tại Việt Nam hiện nay đã triển khai điều trị nghiện bằng Methadone và Suboxone (Buprenorphine/Naltrexone). Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã đem lại hiệu quả rõ ràng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Cụ thể: Sức khỏe của người bệnh đã được nâng cao; người bệnh tăng cân, giảm lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường máu, tránh tử vong do sốc ma túy quá liều.

 

Bệnh nhân sau khi điều trị, phục hồi sức khỏe, có khả năng lao động, có việc làm và giúp tăng thu nhập cho cá nhân và gia đình. Điều trị bằng Methadone còn góp phần giảm tiêu thụ ma túy bất hợp pháp, giảm tệ nạn xã hội, giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, giảm xung đột trong gia đình, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.

 

Tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có 61 tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị Methadone với 254 cơ sở, tăng 4 tỉnh và 14 cơ sở so với cuối năm 2015. Chương trình điều trị cho 48.424 bệnh nhân, tăng 4.704 bệnh nhân so với cuối năm 2015. Số lượng bệnh nhân hiện đang điều trị đạt 57% chỉ tiêu đề ra so với chi tiêu

 

Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tính đến hết tháng 6/2016, 10 tỉnh đã đạt chỉ tiêu yêu cầu năm 2015 với mức cao bao gồm Đồng Tháp, Sóc Trăng, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Long An, Vĩnh Long, Nam Định, Hải Phòng, Hương Yên và Bặc Liêu. Đồng thời, chương trình điều trị bằng Suboxone hiện đang triển khai tại 5 cơ sở với 111 bệnh nhân tham gia điều trị.

 

Việc triển khai điều trị Methadone những năm trước phụ thuộc nhiều vào viện trợ. Trong bối cảnh nguồn viện trợ đang bị cắt giảm, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1008/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu điều trị cho các tỉnh/thành phố; đồng thời cũng ban hành các văn bản nêu rõ sẽ đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho người bệnh khi nguồn tài trợ rút đi. Theo đó, ngân sách Nhà nước chi cho thuốc Methadone giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 600 tỷ. Ngoài ngân sách Trung ương, một số tỉnh/thành phố cũng đã chủ động bố trí kinh phí mua thuốc, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ và trả lương cho cán bộ công tác. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp một phần của bệnh nhân tham gia điều trị để hỗ trợ các chi phí thường xuyên, đảm bảo tính bền vững của chương trình. Về kế hoạch mở rộng xã hội hóa điều trị Methadone, hiện tại, nhà nước qui định mức thu tối đa là 10.000 đ/bệnh nhân/ngày điều trị. Số kinh phí này mới chỉ là kinh phí chi trả tiền nước, tiền cốc uống thuốc, điện, vệ sinh môi trường và một phần chi cho cán bộ hợp đồng. Ngoài ra, nhà nước vẫn bao cấp tiền thuốc, tiền đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo cán bộ và trả lương cho cán bộ trong biên chế nhà nước. Như vậy, hiện nay hoạt động này cũng chỉ huy động một phần nhỏ sự đóng góp của người bệnh trong quy trình điều trị, với mong muốn người điều trị có trách nhiệm hơn, thực hiện nghiêm túc các quy định điều trị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có quy định miễn phí và hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cho một số nhóm bệnh nhân theo quy định tại Nghị định 90.

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: Bộ Y tế đã rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc triển khai mở rộng chương trình nhằm hỗ trợ tối đa cho người nghiện có nhu cầu điều trị (sửa đổi Nghị định số 96). Cụ thể như: đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính từ đưa người bệnh vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc; xây dựng và triển khai mô hình cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi để thuận tiện cho bệnh nhân đến uống thuốc hàng ngày.

 

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường công tác truyền thông về chương trình, ý nghĩa và tầm quan trọng của điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đến các cấp lãnh đạo, từng người dân và đặc biệt là người nghiện ma túy và gia đình của họ; huy động sự tham gia, vào cuộc của các cấp, ban, ngành, các tổ chức dân sự xã hội để chương trình có thể triển khai thành công hơn nữa…/.