Theo giới thiệu của anh Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương, chúng tôi tìm về xóm Quang trung 2, xã Sơn Cẩm, một trong những xóm điển hình về triển khai thực hiện Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện trong những năm gần đây.
Tiếp chúng tôi, bà Dương Thị Tư, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm tự hào: Nhờ lòng dân đồng thuận, nên các phong trào do Nhà nước phát động, nhất là phong trào hiến đất, đóng góp đối ứng làm đường, xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao đều được bà con tích cực hưởng ứng.
Cụ Nguyễn Quốc Y, 85 tuổi, Chi hội trưởng Người cao tuổi tâm đắc: Khoảng mươi năm trước, xóm Quang Trung 2 là một vùng quê nghèo, giao thông khó khăn, Nhà văn hóa làm nơi hội họp cho bà con chật hẹp, không đủ chỗ cho nhân dân hội họp. Vào các ngày lễ, tết, xóm không có địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, bằng sự đóng góp tích cực của người dân, làng xóm đã trở nên khang trang, sạch, đẹp, lòng người thêm hòa thuận, thương yêu nhau. Trước những thành quả đạt được, chúng tôi càng thấm thía lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường bê tông còn nồng mùi xi măng, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng xóm cho biết: Xóm Quang Trung 2 có 101 hộ, 395 nhân khẩu và được chia thành 3 cụm dân cư. Từ 3 năm gần đây, xóm có hơn 90% số hộ đạt gia đình văn hoá/năm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ khác trong xóm mạnh dạn đầu tư vốn vào ngành sản xuất vật liệu xây dựng, mua xe cơ giới làm dịch vụ. Năm 2015, thu nhập bình quân của người dân đạt 21 triệu đồng/người/năm, tăng 1 triệu đồng so với năm 2014… Câu chuyện ông Ngọc dành cho chúng tôi làm đoạn đường từ một ngả rẽ cụm dân cư số 3, về nhà văn hóa xóm như được rút ngắn lại. Nhưng câu chuyện về làm đường bê tông của nhân dân ông dành cho tôi thật ấn tượng. Bởi mất 5 năm liên tục, từ năm 2011 đến năm 2015, năm nào người dân của xóm cũng tham gia thi công làm đường bê tông, trong đó năm 2015 thi công kéo dài thêm được 455 mét.
Hơn 5 năm về trước, đường nội bộ xóm Quang Trung 2 được người dân để rộng từ 1 đến 1,5 mét. Chật trội, đi lại khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới đời sống và sản xuất chung của mọi người. Song vì sợ mất lòng, không ai dám nói ra. Trước một thực trạng giao thông như vậy, từ đầu năm 2011, Chi bộ Đảng đã ban hành nghị quyết mở rộng đường của xóm lên 3 mét, đồng thời triển khai tới các tổ chức đoàn thể và mọi người dân. Ông Phạm Xuân Hải, Chi Hội trưởng Cựu Chiến binh cho biết: Việc mở rộng đường có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi sử dụng đất đai của hàng chục hộ dân trong xóm, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con được nâng cao nhân thức, tích cực tham gia hiến đất làm đường. Đến cuối năm 2011, xóm tự làm xong quy hoạch đường, với tổng chiều dài gần 1.500 mét, được mở rộng lên 3 mét, thông suốt ở cả 3 cụm dân cư. Nhân dân trong xóm hiến được hơn 3.200 mét. Nhờ đó, hằng năm, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con lại tích cực đóng góp tiền của, công sức làm đường bê tông.
Chiều buông, từng màn mưa bụi ngày cuối năm như chiếc voan mỏng vắt hờ lên những ngôi nhà của xóm Quang Trung 2. Vậy nhưng trên đường bê tông xóm, chúng tôi gặp nhiều bà con với bước chân hăm hở đến nhà văn hóa xóm, hoặc đến khu vực sân bãi để tập văn nghệ, chơi thể thao. Được biết, từ năm 2014, nhân dân xóm Quang Trung 2 đã tập trung công sức, tiền của xây dựng công trình sân chơi thể thao và nhà văn hóa của xóm theo tiêu chí nông thôn mới. Việc xây dựng 2 công trình này thể hiện được sự quyết tâm, đồng thuận cao của mọi người dân. ông Văn Khắc Hội, Chi hội Phó Hội Cựu chiến binh tự hào kể lại: Tôi là người hằng ngày đứng đếm xe đổ đất san lấp lấy mặt bằng cho các công trình sân thể thao và nhà văn hóa. Nhân dân trong xóm mỗi hộ đóng góp 100 nghìn đồng để hỗ trợ thêm tiền xăng, dầu cho các hộ có máy múc, xe ô tô vận chuyển đất. Trong hai chục ngày, hơn 1.000 chuyến xe ô tô vận chuyển được hơn 5.000m3 đất từ khu đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Diệp về tôn nền khu nhà văn hóa và sân thể thao.
Nhân dân xóm Quang Trung 2 đã có những ngày sôi động như một công trường, mà ở đó, những người thợ thi công lại chính là người dân của xóm. Mỗi nhà một người, mỗi người một việc, sôi nổi tham gia, đến bữa về ăn cơm nhà. Tháng 3-2015, công trình sân thể thao hoàn thiện với tổng diện tích hơn 4.200m2. Tuy chưa xây dựng được tường bao, sân nền cỏ nhưng hằng ngày là chỗ để bà con chơi bóng đá, bóng chuyền. Cũng tại sân này, đội bóng đá, bóng chuyền ở các xóm trong xã Sơn Cẩm về thi đấu giao lưu, tạo không khí đoàn kết, gắn bó.
Cùng san lấp ao, ruộng làm sân thể thao, công trình nhà văn hóa cũng được thi công xây dựng. Trong thời gian 5 tháng (từ tháng 1 đến tháng 5), trên khuôn viên rộng hơn 900m2, công trình nhà văn hóa xóm có diện tích gần 150 m2 được xây dựng hoàn thiện, tổng trị giá công trình 340 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng; UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng; HTX dịch vụ sản xuất nông - lâm nghiệp Liên Sơn ủng hộ 5 triệu đồng; nhân dân trong xóm đóng góp được hơn 15 triệu đồng. Ông Ngọc cho biết thêm: Số tiền nhân dân đóng góp được, dành để trả công thợ xây, còn vật liệu xây dựng: Cát, sỏi, gạch đều do nhân dân tự nguyện ủng hộ thêm ngoài mức đóng góp chung (150 nghìn đồng/hộ). Hôm khánh thành (19-5-2015), nhân dân trong xóm ngả lợn, mổ gà, liên hoan tưng bừng. Chiều hôm đó còn có thi đấu bóng đá, cờ tướng, kéo co. Đến tối lại tập trung ở nhà văn hóa hát karaoke, vui như một ngày hội lớn.
Từ sức mạnh của sự đồng thuận, người dân xóm Quang Trung 2 đã tự làm đổi mới diện mạo quê hương mình bằng việc xây dựng những công trình giao thông, Nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao đạt chuẩn nông thôn mới. Tiễn chúng tôi đến cổng Nhà văn hóa xóm, cụ Y nắm chặt đôi bàn tay tôi, hẹn: Xuân Bính Thân 2016 mời anh trở lại chơi hội. Hội khai xuân vào ngày 4 Tết. Hội có kéo co, cờ tướng, đập niêu, tung vòng cổ chai, đẩy gậy, chọi gà và cờ người… Tôi đáp lời cụ: Vâng! Hôm đó, nhân dân quanh vùng sẽ đến rất đông, ai cũng mừng cho những chủ nhân của một làng quê mang tên Quang Trung - người anh hùng áo vải.