Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai thực hiện từ 1995. Tiếp đó, đến năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai. Những năm qua, việc thực hiện Phong trào trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm trật tự, an ninh chính trị, tạo môi trường xã hội lành mạnh. Phong trào cũng đã thể hiện được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, tự giác...
Để Phong trào được triển khai sâu rộng tới toàn dân, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào các cấp trên địa bàn thường xuyên được kiện toàn. Hằng năm, BCĐ Phong trào cấp tỉnh kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện Phong trào trên các mặt: Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, như tổ chức các hội nghị chuyên đề; tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, tờ gấp, sách, băng rôn, thông tin lưu động. Các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Thái Nguyên đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí tuyên truyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm hay, việc làm tốt mà Phong trào mang lại. BCĐ Phong trào đã biên tập, in ấn và phát hành hơn 20.000 cuốn sách tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; 6.820 cuốn sách tài liệu hướng dẫn thực hiện Phong trào. Hằng năm, BCĐ Phong trào tỉnh thương xuyên tổ chức các đợt làm việc, kiểm tra chất lượng Phong trào tại các BCĐ cấp huyện và cấp xã. Qua đó đã kịp thời cùng địa phương tháo gỡ một số những vướng mắc, khó khăn trong nhân dân, đồng thời tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Trong quá trình triển khai các mục tiêu Phong trào, từng địa phương lại có sự linh hoạt trong thực hiện, như về xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, huyện Đồng Hỷ hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa khu dân cư 60 triệu đồng/nhà; huyện Định Hóa hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà; huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà; huyện Võ Nhai hỗ trợ 2 mức: Sửa chữa 50 triệu đồng/nhà; xây mới 150 triệu đồng/nhà; huyện Phú Lương hỗ trợ 3 mức: 10, 30, 35 triệu đồng/nhà; T.X Phổ Yên hỗ trợ 2 mức: 40 và 50 triệu đồng/nhà; T.P Sông Công hỗ trợ cho tổ dân phố 15 triệu đồng/nhà sửa chữa, 20 triệu đồng/nhà xây mới. Hỗ trợ sửa chữa nhà văn hoá xóm 30 triệu đồng/nhà, xây mới 40 triệu đồng/nhà. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Đến nay, toàn tỉnh có 177/180 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 2.607/3.031 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá. Sở cũng đã cấp 16 bộ trang thiết bị cho nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 76 bộ thiết bị cho nhà văn hóa cấp xã; 157 bộ thiết bị cho nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; 29 bộ thiết bị cho các đội thông tin lưu động.
Cùng xây dựng thiết chế văn hoá, phong trào: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo nhân dân tham gia. Hiện toàn tỉnh có 1.535 Câu lạc bộ TDTT; 7 Liên đoàn thể thao; 4 Câu lạc bộ thể thao cấp tỉnh. 1.737 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở. Tại 9 huyện, thị và thành phố hiện có hơn 35% dân số thường xuyên luyện tập TDTT. Hơn 22,5% gia đình thể thao. 100% cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an nhân dân thường xuyên tập luyện thể thao. Khối trường học có từ 70% trở lên duy trì tốt hoạt động thể thao ngoại khóa. Từ năm 2000 đến nay, Cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức 255 giải thể thao cấp tỉnh; 390 giải thể thao các ban, ngành, đoàn thể; 900 giải thể thao cấp huyện; 5.430 giải thể thao cấp cơ sở, thu hút được hàng trăm vận động viên tham gia thi đấu và hàng vạn cổ động viên tham gia cổ vũ/giải.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được coi trọng. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 chi hội, ban khuyến học với trên 300.000 hội viên; có trên 670 dòng họ, chi họ hiếu học hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực cho phong trào. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì và thu được kết quả đáng ghi nhận.
Các thành viên của Câu lạc bộ đàn tính, hát then tỉnh luyện tập, chuẩn bị tham gia biểu diễn.
Với tinh thần “tương thân tương ái”, từ năm 2000 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội các cấp đã huy động được gần 299 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, trên địa bàn của tỉnh có thêm gần 20.000 hộ nghèo được hỗ trợ tiền sửa chữa, xây dựng nhà ở; Hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ đột suất ngày giáp hạt với tổng số tiền gần 43 tỷ đồng và 800 tấn gạo. Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã tạo được việc làm mới cho gần 190.000 lao động. Các chính sách giảm nghèo như: Ưu đãi hộ nghèo vay vốn tín dụng; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt được tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo từ 26,85% năm 2006 xuống còn 7,05% năm 2015.
Hằng năm trên địa bàn tỉnh có từ 97-98% Khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại các khu dân cư, công tác bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá; xóm, tổ dân phố văn hoá được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ theo đúng trình tự quy định. Trung bình hằng năm, toàn tỉnh có 250.000 hộ đạt Gia đình văn hoá, riêng năm 2015, toàn tỉnh có hơn 263.000 hộ đạt Gia đình văn hoá, bằng 86%. Trung bình hằng năm có 2.000 xóm, tổ đạt tiêu chí văn hoá/năm, trong đó năm 2015 có hơn 2.230 xóm, tổ đạt tiêu chí văn hoá, bằng 73,63%. Phong trào Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực đăng ký tham gia, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 1.453/1.551 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, bằng 93,68%.
Kết quả của Phong trào đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo nên những con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh ngày càng được phát huy rõ nét; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; Phong trào đã đóng góp tích cực vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần ổn định chính trị xã hội, xoá đói giảm nghèo, bài trừ các tệ nạn xã hội, các biểu hiện tiêu cực, tăng cường trật tự an ninh, cải thiện vệ sinh môi trường, phát huy tình làng, nghĩa xóm làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thêm phong phú và tốt đẹp.
Đến nay, toàn tỉnh có 185 nhà tập luyện thể thao; 16 sân vận động; 1.620 sân tập luyện bóng đá phổ thông; 2.678 sân bóng chuyền, cầu lông; 67 sân tennis; 23 bể bơi đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Tham gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được 887,3 tỷ đồng; hiến 346,14 ha đất và đóng góp gần 2,5 triệu ngày công để cải tạo, nâng cấp 4.075 km đường; cải tạo, kiên cố hóa được 207,5 km kênh mương; cải tạo 204 trạm điện, 686 km đường điện; 313 trường học; 75 trạm y tế; 77 trụ sở UBND xã; 57 nhà văn hóa cấp xã; 498 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; 16 chợ nông thôn; 49 nghĩa trang; 41 khu xử lý rác thải; 72 công trình cấp nước; 55 công trình vệ sinh; 28.284 công trình vệ sinh gia đình.