Lần đầu tiên khảo cứu toàn bộ các thiết chế của Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam (939-1884)

14:52, 29/12/2016

Lần đầu tiên có một công trình sử học khảo cứu toàn bộ các thiết chế của Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam (939 - 1884) của nhóm các nhà khoa học do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Chủ nhiệm.

Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam được khảo cứu một cách chi tiết, cụ thể và đầy đủ từ tổ chức chính quyền trung ương, địa phương, tổ chức quân đội, bộ máy kiểm sát, giám sát nền hành chính Quốc gia… đến việc tuyển dụng, khen thưởng, xử phạt quan lại.

 

Theo các nhà khoa học, tổ chức Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam (939 - 1884), kể từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê đến thời Nguyễn, loại trừ những mặt lạc hậu, lỗi thời và hạn chế do điều kiện lịch sử quy định, còn có khá nhiều vấn đề như kiểm sát, giám sát bộ máy hành chính, chế độ Hồi tỵ, chính sách “ngụ binh ư nông”, chia đơn vị hành chính “tỉnh” … là những bài học lịch sử cần thiết, có thể nghiên cứu và học tập người xưa.

 

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn khi nghiên cứu về tổ chức bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, nhóm các nhà khoa học kiến nghị nhiều vấn đề từ nhận thức đến tổ chức quản lý nhà nước. Quan trọng là cần nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn và những kinh nghiệm lịch sử trong vấn đề tổ chức bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam của ông cha. Muốn trở thành một nước văn hiến thì một trong những điều kiện quan trọng là tổ chức bộ máy Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương trên toàn quốc phải quy củ, chặt chẽ và tương đối khoa học.

 

Vấn đề tổ chức bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam có liên quan mật thiết với nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công thương nghiệp, quốc phòng, giáo dục, ngoại giao… Có thể nói, bộ máy Nhà nước càng được tổ chức chặt chẽ bao nhiêu thì các lĩnh vực trên mới có điều kiện phát triển bấy nhiêu. Bài học lịch sử cho thấy thời kỳ nào bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, được tổ chức quy củ, khoa học thì xã hội ổn định, nhân dân sống bình yên. M uốn Bộ máy Nhà nước hoạt động tốt, hữu hiệu, ít nhất cần tới 3 điều kiện gồm cơ cấu bộ máy khoa học; pháp luật rõ ràng, nghiêm minh; cán bộ tài năng, đức độ.

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh về việc sử dụng cán bộ, bởi qua tiểu sử cho thấy các danh nhân thời xưa đều sống và làm việc trên cơ sở giữ gìn và thực hiện theo 3 tiêu chuẩn “thanh - thận - cần”. Trước đây để có một cán bộ tốt trong bộ máy Nhà nước, chúng ta đưa ra nhiều tiêu chuẩn quá nên khó thực hiện; nên chăng học tập người xưa nhấn mạnh tới 3 tiêu chuẩn trong sạch, cẩn thận, chăm chỉ. Người mà đã sống lấy chữ “thanh” (trong sạch) làm đầu thì không bao giờ nghĩ tới tham ô, tham nhũng. Người mà luôn luôn đề cao chữ “thận” thì làm việc gì cũng chu đáo, đến nơi đến chốn, không tắc trách, sơ suất. Người mà luôn luôn nhắc mình phải “cần”, tức chăm chỉ hết mình, thì mới giỏi chuyên môn, thực hành tốt mọi công việc được.

 

Trong tổ chức Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam, có một lĩnh vực rất quan trọng là đào tạo nguồn cán bộ. Ngày nay, việc đào tạo nguồn cán bộ do các trường như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia… Qua một số các nhà quản lý của các viện nghiên cứu như Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Văn học, Viện Khảo cổ học, Viện Tôn giáo, Viện Dân tộc học… thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những kiến thức về môn khoa học quản lý, khoa học lãnh đạo… dường như được áp dụng không nhiều trong thực tế. Bởi vậy, trong các trường giảng dạy cho các nhà quản lý, cần đưa thêm môn “Bài học về tổ chức bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam” vào chương trình giảng dạy.

 

Hiện nay, Nhà nước đang phát động mọi người trong xã hội chống tham nhũng. Qua các vụ tham nhũng lớn gần đây cho thấy muốn hạn chế, đi đến loại trừ tham nhũng, cần giáo dục và bồi dưỡng lòng tự trọng, tự hào về sự “giữ thanh danh” trước gia đình, xã hội và lịch sử của người quản lý. Luật pháp cần nghiêm hơn, trừng trị nặng các tội tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, với mục đích răn đe.

 

Công trình “Tổ chức Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam (938 - 1884)” sau khi được xuất bản sẽ như một bộ từ điển về Bộ máy Nhà nước Quân chủ Việt Nam từ năm 939 đến năm 1884, giúp tra cứu thuận lợi, tham khảo tốt khi cần tìm hiểu các vấn đề liên quan. Các nhà quản lý, nhà làm luật… cũng có thể thông qua công trình rút ra những tư liệu, những bài học quý./.