Nhiều trường chưa thực hiện đúng các khoản thu

14:58, 03/12/2016

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các trường cần quan tâm thực hiện trong năm học, tuy nhiên, như một căn bệnh cố hữu, năm học mới bắt đầu, những khoản thu lại trở thành vấn đề nóng bỏng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Tham gia cùng đoàn khảo sát, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về việc thu và quản lý, sử dụng các khoản thu trong trường học ở các trường trên địa bàn tỉnh, cho thấy rất nhiều trường thực hiện chưa đúng các quy định.

Các trường thu “trăm hoa đua nở”

 

Nhìn vào danh sách liệt kê các khoản thu đầu năm học của nhiều nhà trường chúng tôi thấy hoa mắt, chóng mặt bởi các khoản thu theo quy định rất ít (học phí, phí trông giữ xe…), thì chủ yếu là khoản thu thỏa thuận, tự nguyện, thu hộ như: Quỹ Đoàn, Đội; quỹ vệ sinh môi trường; quỹ khuyến học; quỹ tu bổ mua sắm cơ sở vật chất; quỹ hội cha mẹ học sinh (HS); quỹ lớp; bảo vệ; gửi xe; tiền nước uống tinh khiết; tiền nước máy; đồng phục; tiền bảo hiểm thân thể; bảo hiểm y tế; tiền giấy thi; sổ liên lạc điện tử; thẻ phù hiệu HS…

 

Toàn ngành có 686 cơ sở giáo dục. Tổng các khoản thu năm học 2015-2016 của các cơ sở giáo dục toàn tỉnh là trên 334 tỷ đồng, trong đó khoản thu theo quy định là trên 55 tỷ đồng; thu theo thỏa thuận trên 213 tỷ đồng và thu đóng góp tự nguyện là trên 65 tỷ đồng. Tổng số chi trên 323 tỷ đồng. Năm học 2016-2017, dự kiến tổng thu trên 339 tỷ đồng, trong đó khoản thu theo quy định trên 52 tỷ đồng; khoản thu theo thỏa thuận trên 208 tỷ đồng và khoản thu đóng góp tự nguyện là trên 78 tỷ đồng.

Trong khi mức thu học phí theo đúng quy định của từng cấp học, bậc học (tiểu học không thu học phí), có hướng dẫn cụ thể về việc miễn, giảm cho các đối tượng thì các khoản đóng góp thỏa thuận, tự nguyện các trường thu ở nhiều mức khác nhau. Các khoản thu xã hội hóa rất đa dạng, tùy theo từng trường và có chiều hướng năm sau thu tăng hơn năm trước. Có trường thu theo khối lớp, có trường bổ đầu như nhau. Cụ thể, năm học 2015-2015, tiền tu bổ, mua sắm cơ sở vật chất của Trường THPT Phú Lương đề ra khối 10 là: 550 nghìn đồng/HS; khối 11 là 450 nghìn đồng/HS và khối 12 là 100 nghìn đồng/HS. Khoản này ở Trường THCS Hồng Tiến (thị xã Phổ Yên) cào bằng là 220 nghìn đồng/HS (năm học 2016-2017 tăng lên là 300 nghìn đồng/HS). Trường THPT Phổ Yên mức huy động khoản này cũng cào bằng 220 nghìn đồng/HS (năm học 2016-2017 tăng lên là 315 nghìn đồng/HS). Đối với các trường tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên cùng khoản tiền phục vụ bán trú, nhưng mức thu lại rất khác nhau: Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng thu 100 nghìn đồng/HS/tháng; Trường Tiểu học Đội Cấn thu 75 nghìn đồng/HS/tháng; Trường Tiểu học Trung Thành thu 110 nghìn đồng/HS/tháng; Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Tiểu học Lương Ngọc Quyến thu 90 nghìn đồng/HS/tháng; Tiểu học Nha Trang 85 nghìn đồng/HS/tháng… Tiền sổ liên lạc điện tử nơi thu 40 nghìn đồng, nới 60 nghìn đồng, nơi 100 nghìn đồng/năm học.

 

Các khoản thu xã hội hóa rất đa dạng, như: Mua máy chiếu, điều hòa, quạt mát, cải tạo lưới điện, thay bàn ghế, làm chống nắng, làm biển cổng trường, mua bảng từ, kẻ bảng, sơn bảng, làm lại rãnh nước, thay mới sửa chữa cầu thang… Một phụ huynh học sinh (PHHS) của Trường Tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) phản ánh: Tiền nước uống tinh khiết Nhà trường thu 90 nghìn đồng/HS/năm là quá cao. Nếu quy ra 9 tháng/năm học, mỗi tháng 1 cháu phải đóng 10 nghìn đồng, mà 1m3 nước hiện nay nếu tính giá cao nhất là 10 nghìn đồng, nếu lọc bỏ đi 1 nửa còn 500 lít, thử hỏi 1 cháu có uống hết từng ấy nước trong 1 tháng không? Thực tế, Trường này có trên 1.900 HS, mức thu của HS bán trú và không bán trú như nhau. Mỗi năm riêng tiền nước uống đã thu trên 170 triệu đồng, trong khi Nhà trường không hạch toán, công khai cụ thể? Theo con tôi phản ánh khi đến giờ ra chơi công suất của máy lọc nước không đáp ứng đủ cho các cháu dùng. Còn mùa đông trời lạnh các cháu uống rất ít, thậm chí có cháu không uống. Còn tiền thuê vệ sinh lớp học, dọn 2 khu vệ sinh của HS cũng rất bất cập. Mức thu tương đương với tiền nước uống tinh khiết, nhưng khu nhà vệ sinh luôn ở trong tình trạng hôi hám, bẩn, nên nhiều cháu không dám đi vệ sinh ở trường…

 

Nhiều khoản thu không phù hợp, trái với quy định

 

Trong các khoản thu đầu năm học mới, nhiều PHHS thắc mắc và không hiểu khoản thu theo thỏa thuận, xã hội hóa, tự nguyện mà một số trường đề ra là như thế nào. Họ đều cảm thấy không thoải mái khi phải đóng góp các khoản tiền dưới danh nghĩa "tự nguyện". Bởi đã nói là tự nguyện thì không được bình quân hóa, mọi người đóng góp bao nhiêu là tùy thuộc vào điều kiện của các gia đình. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất hiếm PHHS nào đóng ít hơn, mà đều có một mức chung như nhà trường và Ban đại diện hội cha mẹ học sinh (BĐDHCMHS) đề ra. Như vậy, thực chất đó có phải là “tự nguyện” hay không?

 

Theo hướng dẫn số 1170/SGDĐT-KHTC của Sở GD & ĐT thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, các khoản đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo 4 bước và 3 nguyên tắc. 3 nguyên tắc thực hiện là tự nguyện, đúng mục đích; dân chủ, công khai, minh bạch; hợp lý và vừa sức. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy nhiều nhà trường đưa ra các khoản thu chưa phù hợp với điều kiện kinh tế đại đa số cha mẹ HS trên địa bàn. Đơn cử như ở Trường THPT Phú Lương, năm học 2015-2016, khoản thu tự nguyện tu bổ cơ sở vật chất khá cao, (khối 10 là: 550 nghìn đồng/HS; khối 11 là 450 nghìn đồng/HS). Số tiền này, Nhà trường không chỉ dùng thay một lúc 360 bộ bàn ghế HS, mà còn mua 15 bàn cho giáo viên. Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị xuất toán số tiền mà phụ huynh HS đóng góp cho Nhà trường chi mua bàn giáo viên. Được biết năm học 2016-2017, Nhà trường vẫn tiếp tục đề ra mức thu tu bổ cơ sở vật chất (khối 10: 500 nghìn đồng; khối 11 và 12 là 150 nghìn đồng/HS) để thay thế tiếp bàn ghế của 15 phòng học còn lại. Trong vòng 2 năm học, Nhà trường huy động PHHS đóng góp để thay thế 100% bàn ghế mới cho các lớp học là rất vô lý. Không lẽ tất cả bàn ghế của HS đều hỏng? Qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách tại buổi giám sát, các thành viên của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cũng không thấy Nhà trường có biên bản kiểm kê hiện trạng bàn ghế cũ trước khi thay; không có biên bản thẩm định giá mua bàn ghế mới…

 

Ngoài khoản xã hội hóa đầu tư sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất ở một số trường hồ sơ còn thiếu minh bạch thì phải kể đến khoản thu tự nguyện tiền điện. Nhiều nhà trường còn triệt để khai thác nguồn thu này mà không dùng ngân sách để chi trả. Vô hình chung họ đã đặt gánh nặng lên vai PHHS. Đơn cử như Trường THCS Hồng Tiến (thị xã Phổ Yên), năm học 2015-2016, Nhà trường thu tiền điện mức 75 nghìn đồng/HS, tổng thu của cả năm học là trên 59 triệu đồng, tổng chi trên 42 triệu đồng. Như vậy, ngân sách Nhà trường không phải chi đồng nào cho tiền điện, thậm chí tiền thu từ đóng góp của PHHS chi không hết còn dư trên 17 triệu đồng. Trường Tiểu học Ba Hàng (thị xã Phổ Yên) tình trạng cũng tương tự. Nhà trường tính mức bình quân tiền điện tiêu thụ hàng tháng, nhân với 12 tháng/năm và chia đều trên đầu HS để thu. Tuy HS chỉ học 9 tháng/năm học, nhưng số tiền điện đóng góp đủ chi cho cả trường 12 tháng của năm. Lý giải về điều này, Hiệu trưởng Nhà trường, cô Lê Thị Quỳnh cho rằng căn cứ vào hóa đơn tiền điện của Trường theo tháng, chia đều mức đóng góp trên đầu HS. Như vậy, trường này cũng không dùng một đồng của ngân sách để chi trả tiền điện, mà dồn gánh nặng đó lên vai phụ huynh HS…Vẫn biết là trong điều kiện ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hiện nay còn hạn hẹp, việc các trường phải huy động sự đóng góp thêm từ phía PHHS để đảm bảo các hoạt động dạy và học là điều dễ hiểu. Nhưng, nhiều trường đã quá lạm dụng cụm từ "xã hội hóa", đề ra nhiều khoản thu tùy tiện, thậm chí còn chồng chéo nhau, gây bức xúc cho các bậc PHHS.

 

Thực tế, qua kiểm tra của Sở GD & ĐT đầu năm học mới tại 14 cơ sở giáo dục cho thấy, nhiều nhà trường còn chưa thực hiện đúng các quy định về các khoản thu, chi, như: Không trích nộp 20% phí trông giữ xe đạp, xe máy điện… vào ngân sách Nhà nước; các khoản huy động từ cha mẹ HS còn có cơ sở giáo dục tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành văn bản về các khoản thu trái quy định của cấp trên. Thực hiện các khoản thu tự nguyện khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bình quân hóa các khoản thu tự nguyện; thu gộp tất cả các khoản vào đầu năm học; mức thu còn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số cha mẹ HS; việc công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa đúng tinh thần huy động đóng góp tự nguyện… Một số nhà trường còn huy động một số khoản thu dưới hình thức thông qua quỹ của BĐDCMHS. Cứ như vậy BĐDCMHS vô tình trở thành “cánh tay nối dài” thực hiện chủ trương thu tiền của nhà trường, còn các giáo viên là “công cụ” trực tiếp thực thu.

 

Từ trước đến nay, lạm thu chưa được chấn chỉnh cũng là do bản thân nhiều bậc PHHS bức xúc nhưng không dám thẳng thắn lên tiếng khi các nhà trường đề ra nhiều khoản thu vô lý vì con em mình vẫn phải học ở trường. Nếu có làm đơn gửi các cơ quan chức năng cũng không ký tên. Vì thế mới có tình trạng ở một số trường đầu năm học vẫn lạm dụng cụm từ “thu xã hội hóa”, “thu theo thỏa thuận”, “tự nguyện” để móc hầu bao các bậc phụ huynh HS. Về vấn đề này đông đảo cử tri đề nghị ngành Giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra để nhắc nhở, chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời Sở GD&ĐT sớm tham mưu cho UBND tỉnh mức trần và sàn các khoản đóng góp theo vùng miền. Hướng dẫn cụ thể đối với các khoản thu; định mức hợp đồng lao công, bảo vệ trên quy mô và nhu cầu của các nhà trường. Quy định rõ trình tự các thủ tục khi thực hiện mua sắm, xây dựng cơ bản. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, kế toán các nhà trường. Đối với những cơ sở giáo dục vi phạm chấp hành các quy định về thu và quản lý sử dụng các khoản thu cần xử lý nghiêm theo quy định…