Tăng cường tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng

10:36, 17/12/2016

Từ tháng 8/2015 đến nay, Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường do Tổ chức PATH thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đồng hành và hỗ trợ triển khai thí điểm dịch vụ xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm HIV tại các tỉnh ưu tiên của Việt Nam.

Dự án được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Nguyên). Dự án đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh để tập huấn cho 235 nhân viên xét nghiệm không chuyên (là những người không được đào tạo chuyên ngành y tế cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV có chất lượng bằng việc sử dụng một sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV).

 

Các nhân viên xét nghiệm không chuyên đã xét nghiệm cho hơn 29.000 khách hàng có nguy cơ cao ở khu vực thành thị (Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) và khu vực nông thôn, miền núi (ở Điện Biên và Nghệ An). Khi khách hàng có kết quả xét nghiệm “có phản ứng”, nhân viên xét nghiệm không chuyên sẽ tư vấn và hỗ trợ họ tiếp cận với cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định; đồng thời tiếp cận điều trị sớm nếu có kết quả khẳng định HIV dương tính.

 

Mô hình thí điểm đã tiếp cận được với một tỷ lệ lớn những người chưa từng được xét nghiệm HIV (70%) hoặc những người không thường xuyên xét nghiệm HIV. Nhờ đó, hơn 1.400 ca nhiễm HIV mới đã được phát hiện (7% ở khu vực thành thị và 3% ở khu vực nông thôn) và 93% đã được đưa vào chương trình điều trị. Dịch vụ tự xét nghiệm HIV do Cục Phòng chống HIV/AIDS khởi động từ tháng 8/2016 đến nay đã có hơn 1.300 người lựa chọn.

 

Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 2 tỉnh là Thanh Hóa và Thái Nguyên từ tháng 8/2015. Tại Thanh Hóa, Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ cho 2 huyện miền núi (Quan Hoa và Mường Lát), nhân viên y tế thôn bản thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2016, Thanh Hóa đã có khoảng 1.700 người được xét nghiệm, trong đó có 33 người dương tính và 32 người được đưa vào chương trình điều trị. Đối với Thái Nguyên, Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và 4 nhóm tự lực của người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục với nam (MSM) để cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại cộng đồng. Tại đây, giáo dục viên đồng đẳng thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2016, các nhóm tự lực đã xét nghiệm cho 313 người, trong đó có 12 người có kết quả khẳng định dương tính và 9 người được đưa vào chương trình điều trị.

 

Các kết quả ban đầu cho thấy xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chưa được xét nghiệm hoặc xét nghiệm không thường xuyên. Tự xét nghiệm HIV cần được xem như một cách tiếp cận mới cho dịch vụ xét nghiệm HIV; dịch vụ hỗ trợ thông báo cho bạn tình nên là một phần của một gói xét nghiệm và chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV. Tất cả các dịch vụ xét nghiệm HIV cần tuân thủ nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (là: sự đồng thuận, bảo mật, tư vấn, kết quả chính xác và kết nối chuyển gửi – liên kết với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị).

 

Cục Phòng chống HIV/AIDS đã xác định mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng là một chiến lược hứa hẹn nhằm tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV tại Việt Nam. Đây cũng là một bước quan trọng góp phần đạt được chỉ tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020; tức là 90% người nhiễm HIV được phát hiện.