Nhiều năm qua, chính sách dân số là một bộ phận trong đường lối, chính sách của Đảng, trong đó, giảm sinh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Nhờ đó, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
Tuy nhiên khi mục tiêu giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc, nếu vẫn duy trì trọng tâm chính sách dân số là kế hoạch hóa gia đình thì không thích hợp. Bởi những vấn đề dân số mới phát sinh như: dân số già, mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số... đang đòi hỏi được giải quyết, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026; trong đó, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng và đạt 63 triệu người vào cuối giai đoạn dự báo (2049). Quy mô dân số nông thôn giảm dần kể từ năm 2020 và thấp hơn quy mô dân số thành thị vào năm 2039. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số và dân số già sẽ trở thành vấn đề toàn cầu. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học vẫn tăng đến năm 2025. Sau năm 2025, dân số độ tuổi này sẽ giảm mạnh đến năm 2034 và ổn định cho đến cuối kỳ dự báo. Mức độ tăng dân số trẻ trong độ tuổi trung học cơ sở sẽ tăng chậm hơn trẻ em độ tuổi tiểu học nhưng thời gian tăng kéo dài đến năm 2030. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ ổn định và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2035.
Từ dự báo về dân số Việt Nam giai đoạn 2014-2049, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng hợp lý, phù hợp với mức độ đô thị hóa nhanh trong thời gian tới. Đồng thời, có chính sách đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở khu vực chuyển từ nông thôn ra thành thị.
Đối với chính sách dân số, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề bình đẳng giới nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, thay đổi nhận thức về dân số già, không phải là nguy cơ hay gánh nặng của xã hội, từ đó nghiên cứu các chính sách phù hợp tận dụng lợi thế dân số trong thời kỳ già hóa dân số và dân số già.