Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã đạt được những kết quả đámg ghi nhận.
Giai đoạn 1961-1975, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh song công tác DS-KHHGĐ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với việc ban hành Quyết định số 216-CP ngày 26-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn với mục đích “Vì sức khoẻ của bà mẹ, vì hạnh phúc hoà thuận trong gia đình và để nuôi dạy con cái được chu đáo”.
Giai đoạn 1976-1990, sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng cùng với sự khó khăn của công tác này, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã từng giữ cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo hướng dẫn sinh đẻ kế hoạch, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ.
Giai đoạn 1991-2000, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện của DS-KHHGĐ. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chính sách DS-KHHGĐ. Từ đây công tác dân số ở nước ta đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện cả về nội dung, cách làm, huy động tòan hệ thống chính trị tham gia vào công tác DS - KHHGĐ; từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở.
Giai đoạn 2001 đến nay, tổ chức bộ máy của ngành dân số có nhiều thay đổi: Năm 2002, Uỷ ban DS-KHHGĐ được sáp nhập với Uỷ ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thành Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Năm 2007, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em bị giải thể, lĩnh vực dân số được đưa về ngành Y tế phụ trách. Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác DS-KHHGĐ đã hệ thống tổ chức bộ máy được củng cố và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở.
Đối với Thái Nguyên, công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các cấp, ngành và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,3 con (năm 1961) xuống còn 1,89 con (năm 2009), và hiện nay tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì mức sinh thay thế; tuổi thọ bình quân tiếp tục tăng, năm 2014 là 73,2 tuổi. Kết quả của công tác dân số đã có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh: Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 45 triệu đồng năm 2015 (cao hơn trung bình cả nước); số người nghèo ngày càng giảm, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,06%; phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 hoàn thành trước kế hoạch, duy trì vững chắc phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,3‰ năm 2012 xuống còn 14,9‰ năm 2014; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%...
Tuy nhiên, hiện nay công tác DS-KHHGĐ của tỉnh cũng còn đứng trước một số khó khăn, thách thức, như: Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao; tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số đã tăng lên rõ rệt nên tình trạng già hoá dân số đang diễn ra nhanh, chất lượng dân số chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới.
Trong bối cảnh ngành dân số cả nước có bước chuyển biến mới từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển thì các cấp, các ngành và hệ thống dân số cần phải tập trung vào các giải pháp trọng tâm đó là: Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; nâng cao chất lượng dân số; tăng tuổi thọ và số năm sống trung bình khỏe mạnh; chăm sóc người cao tuổi; tăng cường các giải pháp can thiệp, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội của tỉnh.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về DS-KHHGĐ, Ngày Dân số Việt Nam và Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống công tác DS-KHHGĐ (26/12/1961- 26/12/2016) với chủ đề “55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, tỉnh Thái Nguyên đang đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức mít tinh, gặp mặt tuyên dương các cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu năm 2016; treo băng zôn, panô tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông trên báo, đài địa phương góp phần tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ trong thời kỳ mới.