Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

17:51, 06/12/2016

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước… Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới luôn là mục tiêu mà tỉnh ta  hướng đến. Đây cũng là vấn đề được đề cập đến tại kỳ họp thứ 3, HĐND khoá XIII của tỉnh nhằm thống nhất, xây dựng và ban hành Đề án mới về xây dựng lực lượng DQTVcủa tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2035.  

Theo Đại tá Đỗ Đại Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, để tiếp tục triển khai Luật DQTV, nâng cao hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi có những giải pháp hữu hiệu hơn về xây dựng lực lượng, công tác đảm bảo và hoạt động của DQTV. Dự thảo Đề án xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2035 có nhiều điểm mới so với giai đoạn trước, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Trước hết, về số lượng phó ban CHQS cấp xã, nếu như giai đoạn trước chỉ bố trí 1 đồng chí thì nay, Đề án đề xuất 2 người đối với các xã, thị trấn loại 1, 2 và trọng điểm về quốc phòng, an ninh (theo phân loại hành chính của Chính phủ). Theo đó, tỉnh có 145 xã, phường, thị trấn được bố trí 2 chỉ huy phó.

 

Về cơ cấu cán bộ Ban CHQS cấp xã, chỉ huy trưởng phải là đảng viên, ủy viên UBND xã. Chính trị viên là bí thư Đảng ủy cấp xã kiêm nhiệm, chính trị viên phó là bí thư Đoàn cấp xã kiêm nhiệm. Chỉ huy phó là đảng viên, người hoạt động không chuyên trách. Còn tại các cơ quan, tổ chức, chỉ huy trưởng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiêm nhiệm, chỉ huy phó là cán bộ kiêm nhiệm, Chính trị viên là bí thư Đảng bộ (chi bộ) cơ quan, tổ chức kiêm nhiệm, chính trị viên phó là bí thư Đoàn thành niên, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm. Theo Đề án mới, quân số của lực lượng DQTV cũng được nâng lên. Nếu như giai đoạn 2011-2015, quân số này chỉ có gần 20 nghìn người thì nay cả tỉnh sẽ được tăng lên thêm gần 5 nghìn người.

 

Về điểm này, Trung tá Nguyễn Văn Thị, Trợ lý DQTV, Ban CHQS T.P Thái Nguyên chia sẻ: Nếu thực hiện theo Đề án mới, mỗi xã, phường sẽ được bổ sung thêm từ 20 đến 30 biên chế vào lực lượng dân quân và mỗi công ty, xí nghiệp bổ sung thêm từ 5 đến 10 người vào lực lượng tự vệ.

 

Chế độ phụ cấp ngày công lao động khi tham gia huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền cũng là điểm đáng chú ý trong dự thảo Đề án. Nếu như hiện nay, tỉnh đang thực hiện chế độ mức hỗ trợ thấp nhất là 0,08% mức lượng cơ sở (theo Đề án 1998, tương tương 92 nghìn đồng/ngày) thì nay, Bộ CHQS tỉnh tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ ngày công tham gia huấn luyện và các hoạt động khác của lực lượng dân quân là 0,12% mức lượng cơ sở (tương đương 145 nghìn đồng/ngày). Đây cũng là mức đề xuất phù hợp với xu thế chung của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, giúp lực lượng dân quân có thể thêm yên tâm trong thời gian huấn luyện, tham gia các hoạt động khi được điều động. Bên cạnh đó, Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, đồng thời hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với mức 4,5% phụ cấp.

 

Với điều kiện như hiện nay, hầu hết Ban CHQS cấp xã chưa có trụ sở riêng mà phải làm việc ghép hoặc được bố trí phòng làm việc rất chật hẹp trong khuôn viên UBND xã. Trong khi đó, hằng ngày, cán bộ Ban CHQS các xã, phường, thị trấn đều phải trực sẵn sàng chiến đấu với rất nhiều quân tư trang, vũ khí… Bởi vậy, Đề án mới này cho thấy sự cần thiết phải xây dựng trụ sở làm việc riêng cho Ban CHQS cấp xã.

 

Về điều này, Đại tá Đỗ Đại Phong cho biết: Xây dựng trụ sở làm việc riêng là cần thiết nhưng để thực hiện được đồng bộ cần có nguồn kinh phí lớn. Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh có thể áp dụng phương án mỗi huyện, thành, thị lựa chọn 1 xã làm điểm làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo triển khai theo lộ trình của Đề án. Trước mắt, các địa phương cần ưu tiên sữa chữa, củng cố nơi làm việc của Ban CHQS cấp xã đảm bảo điều kiện làm việc và hoạt động. Đề án cũng đã nêu rõ những giải pháp chủ yếu về công tác tuyên truyền, xây dựng củng cố lực lượng; quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQTV cũng như việc kiểm tra, đôn đốc…

 

Với mục tiêu, xây dựng lực lượng DQTV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì việc thực hiện Đề án mới là một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.