Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ, trong 4 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (tính đến hết ngày mùng 2 Tết, tức ngày 29/1), các bệnh viện trên toàn quốc đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ.
Ngoài ra, các bệnh viện còn khám, cấp cứu cho 28 trường hợp bị thương do chất nổ khác.
Bên cạnh đó, số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 2.203 trường hợp, trong đó có 990 ca phải nhập viện điều trị nội trú và đã có 14 trường hợp tử vong.
Việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo ở Việt Nam bị nghiêm cấm trên toàn quốc từ năm 1995. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép, đốt pháo tùy tiện, nhất là trong các ngày lễ, Tết vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.
Thực trạng này tiềm ẩn mối nguy cơ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe của người dân và tình hình an ninh trật tự. Sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng nghìn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được.
Trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh tay chân miệng của năm 2017
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 29/1, cả nước không ghi nhận các ổ dịch bệnh truyền nhiễm; không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A/H5N1, A/H7N9; không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu biên giới…
Tuy nhiên, Viện Pasteur T.P Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1 trẻ tử vong (19 tháng tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) vì bệnh tay chân miệng trong ngày mùng 1 Tết.
Đây là trường hợp tử vong do bệnh tay miệng đầu tiên được ghi nhận trong năm 2017. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước ghi nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng tại 55 tỉnh, thành phố.
Ngay sau khi có ca tử vong do bệnh tay chân miệng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh đã thông báo cho Trung tâm Y tế huyện Châu Thành giám sát và xử lý dịch theo quy định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch.