Vào thời khắc đất trời chuyển giao năm cũ Bính Thân sang năm mới Đinh Dậu, hình như trong tâm hồn mọi người Việt đều có chút xao động, chút phân vân, chút suy tư… Năm mới, mình mong muốn gì? Nho nhỏ cho mình, cho gia đình, hay lớn hơn là cho cộng đồng, cho đất nước, cho nhân loại?
Như một “mặc định”, thường thường ai cũng mong cho mình và gia đình Phúc-Lộc-Thọ, hay cho đất nước Thịnh vượng-Trường tồn… Nhưng hình như những điều đó khó có thể thực hiện được nếu thiếu một chữ “An”.
Có lẽ chưa năm nào mà chữ “An” trong năm 2017, năm Đinh Dậu ở một số quốc gia châu Á, lại như một ước muốn ở hầu khắp mọi người, không chỉ ở người dân Việt Nam mà còn là ước nguyện của toàn cầu khi năm mới đến.
Và nếu tính tỉ lệ chữ “An” so với các chữ khác thì thấy “An” tăng vượt trội. Rất nhiều người đã “thỉnh” chữ “An” mang về nhà từ phố Ông Đồ ở Văn Miếu Hà Nội hay phố Ông Đồ ở Câu lạc bộ Thanh niên TP. Hồ Chí Minh...
Phải chăng năm 2016 toàn cầu nói chung, sự bất ổn, bất trắc, bất an…thường trực đe dọa cuộc sống, từ những cơn thịnh nộ khủng khiếp của thiên nhiên, những cuộc khủng bố hủy diệt con người liên hoàn thảm khốc, đến thảm họa đầu độc thiên nhiên hủy hoại môi trường tàn bạo…
Trong tiếng Hán thì chữ “An” cấu tạo với bộ “miên” - ở trên là hình ảnh mái che, bộ “nữ” ở dưới, với ẩn dụ nếp nhà an bình luôn là nơi in dấu bàn tay thu vén của người phụ nữ.
Nhưng khi chữ “An” được ghép với những danh từ khác thì ý nghĩa của chữ “An” bao gồm trọn vẹn những ước mơ, hy vọng, ước muốn và cả mục đích hướng tới của nhân loại nói chung.
An cư, An lạc, An sinh, An nhiên, An khang, An bình, An lành, An hòa, An dân, An quốc, An bang… là ước muốn của bất kỳ ai, và cũng là điều mà các nguyên thủ quốc gia muốn hướng tới cho nhân dân của đất nước mình.
Một chữ “An” đã gói trọn ý nghĩa nhân sinh của nhân gian. Một chữ “An” như khởi nguồn của tất cả những điều tốt đẹp, của giàu có thịnh vượng quốc gia, của hòa bình thế giới, của hạnh phúc mọi người sống để yêu nhau…
Một chữ “An” là biểu trưng của những cuộc đối thoại giữa các nền văn mình nhân loại, là sự hiểu biết của những nền văn hóa khác biệt, là sự hòa hiếu đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, để cùng phát triển, hướng tới những điều cao đẹp của cuộc sống…
Một chữ “An” có thể mang đến niềm hy vọng cho sự bình yên của Trái Đất, để hành tinh xanh mãi mãi là ngôi nhà ấm áp của loài người, để loài người không phải sợ, nỗi sợ của vô vàn bất an có thể giáng xuống đầu mình một cách vô lý từ thiên tai đến nhân họa.
“An” trong quan niệm của Phật giáo có thể xem như những giáo lý để con người hướng thiện. Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không sống thật ý nghĩa hôm nay, thì không cảm nhận được giá trị của cuộc đời. Nếu không sống cho giây phút hiện tại, thì cuộc đời như là những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “An toàn, hạnh phúc” một cách vô vọng.
Thường ngày chúng ta đấu tranh, giaàh giật vì quyền lợi, danh vọng, những thứ phù phiếm… để rồi đến một ngày, mới nhận ra, hai chữ “An bình” mới là điều quan trọng nhất. Có cuộc sống không an bình là do nhận thức không đúng về thế giới xung quanh, khiến cái nhìn về cuộc sống cũng trở nên méo mó và phức tạp.
Tận trong sâu thẳm của cõi lòng, tất cả mọi người đều mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Vậy thì tại sao từ xưa cho đến nay con người vẫn luôn sống trong lo sợ, bất an và đau khổ cũng như chiến tranh, bạo loạn, thù địch vẫn diễn ra liên miên? Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất an, chiến tranh, bạo loạn, gây hấn, kết oán thù với nhau đó là lòng tham của con người. Dân gian thường dạy rằng “tham thì thâm”, quả thật là một sự đúc kết thâm thúy. Lòng tham làm cho con người mất hết lương tri, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của bản thân.
Một khi con người bị sai bởi lòng tham thì chính bản thân họ cũng bất an, chính họ cũng không có hạnh phúc. Vì thế chữ “An” là một lời răn mình, sống tĩnh tâm, một cách “thiền” để điều chỉnh hành vi và tư duy “tĩnh”, không vọng động…
Giá như loài người có thể học-hiểu-thực hiện chữ “An” thì có lẽ không có những Thế chiến 1, 2… có những thảm họa diệt chủng như ở “Cánh đồng chết”, hay các cuộc chiến tranh xâm lược- trả thù lẫn nhau đẫm máu...
Giá như người Việt có thể hiểu hết chữ “An” với thiên nhiên, thì có lẽ không thể xảy ra những thảm họa môi trường khi nắng hạn khủng khiếp, khi bão lũ triền miên ở miền Trung…
Giá như mỗi người có thể lấy chữ “An” để điều chỉnh hành vi của mình, thì có lẽ sự bất ổn trong cuộc sống sẽ không đe dọa mỗi ngày mỗi giờ…
Thời khắc giao thừa đón năm mới đã qua. Trong vô vàn lời chúc Xuân thể hiện khát vọng của loài người, một chữ “An” có thể xem như lời chúc Xuân hướng tới Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống.
Một chữ “An”, tưởng chừng đơn giản, nhưng mang triết lý nhân sinh quan rất “nặng”, Và ai cũng muốn “gói” chữ “An” cho riêng mình, như niềm hy vọng năm mới tất cả đều an lành./.